Bài 2: Hiệu quả từ giải pháp công trình
Những năm qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được ngân sách đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, một mặt phòng, chống những tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu (BĐKH), một mặt điều tiết nguồn nước, giúp người nông dân chủ động trong sản xuất các mô hình nông nghiệp. Những công trình này đã và đang phát huy tốt tác dụng, đạt hiệu quả trong đầu tư.
Cái lợi từ công trình cả nghìn tỷ đồng
Chúng tôi đến công trường xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé vào giữa tháng 3, khi các công nhân và kỹ sư tiến hành lắp đặt cửa van đầu tiên của cống Cái Lớn. Cửa van có khẩu độ 40 m x 9 m, nặng 203 tấn, là loại cửa van có kích thước lớn tại Việt Nam. Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN và PTNT) Lê Hồng Linh cho biết, cống Cái Lớn có 11 cửa van, trong đó có tám cửa van có khẩu độ 40 m x 9 m, nặng 203 tấn; hai cửa van khẩu độ 40 m x 7,5 m, nặng 188 tấn và một cửa van khẩu độ 40 m x 6,0 m, nặng 155 tấn. “Đây là công trình có kỹ thuật phức tạp, thi công khó, nhưng đến nay chúng tôi đã hoàn thành hơn 75% khối lượng, dự kiến công trình vận hành toàn bộ cửa van vào tháng 6 năm nay. Vào tháng 2 vừa qua, cống Cái Bé đã được đưa vào vận hành, để kịp kiểm soát nguồn nước, phòng, chống hạn mặn cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp ở các huyện ven sông Cái Bé của tỉnh Kiên Giang” – ông Lê Hồng Linh nói.
Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, nằm trên địa bàn huyện Châu Thành (Kiên Giang), được khởi công xây dựng vào tháng 10 – 2019, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi lớn nhất vùng ĐBSCL, được kỳ vọng sẽ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho hơn 384.000 ha đất nông nghiệp; chủ động ứng phó BĐKH, nước biển dâng, giảm thiệt hại do hạn, mặn vào mùa khô cho các tỉnh phía tây sông Hậu. Theo Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Huỳnh Trung, trong đợt mặn xâm nhập cao nhất khi chưa đóng cống Cái Bé, độ mặn đo được bốn phần nghìn, xâm nhập qua thị trấn Gò Quao hơn 40 km, vượt kênh Chưng Bầu và đến kênh Giồng Riềng – Bến Nhứt. Việc vận hành sớm cống Cái Bé đã đem lại nhiều thuận lợi cho Kiên Giang. Cái lợi trước tiên, Kiên Giang không phải đắp hơn 100 đập thời vụ tạm thời ở phía thượng lưu của cống Cái Bé (chủ yếu là ở huyện Giồng Riềng) như những năm trước. Chỉ tính kinh phí tiết kiệm từ việc không đắp số đập nêu trên đã lợi cho tỉnh hơn 12 tỷ đồng. Cái lợi kế tiếp, không đắp đập dòng chảy không bị cản trở, nước không bị ô nhiễm. Mặt khác, việc vận hành sớm cống Cái Bé góp phần kiểm soát mặn, bảo vệ hơn 20.000 ha lúa, cây ăn trái của vùng phía bắc sông Cái Bé như các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp và còn giải quyết bài toán nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực trong mùa khô này.
Thấy được cái lợi của công trình cả nghìn tỷ đồng này, Chi cục trưởng Thủy lợi Cà Mau, Nguyễn Long Hoai bày tỏ: Cà Mau mong muốn khi khép kín hệ thống cống này, Bộ NN và PTNT có phương án dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau. Phương án này sẽ bảo vệ được hơn 120.000 ha đất sản xuất của người dân vùng ngọt, cả rừng U Minh Hạ và việc hỗ trợ nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản khi độ mặn lên quá cao.
Nhiều công trình phát huy hiệu quả
Nhằm ứng phó hạn, mặn bảo vệ vườn cây ăn trái, sản xuất, sinh hoạt của người dân, trong năm qua tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện 458 công trình. Trong đó, có 83 công trình thuộc nguồn vốn do tỉnh quản lý với tổng khối lượng đất đào đắp khoảng 1.258.000 m3; 119 công trình do huyện thực hiện với khối lượng đất đào đắp 860.968 m3; cấp xã thực hiện 256 công trình thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhỏ với chiều dài thực hiện 83.608 m, khối lượng đất đào đắp: 165.748 m3, 1.446 ngày công và 501 nhân lực. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, Lưu Nhuận cho biết: “Hiệu quả đầu tư thủy lợi đã được phát huy, bảo đảm năng lực phục vụ 111.260 ha đất sản xuất nông nghiệp đã khép kín thủy lợi, đồng thời góp phần tăng thêm 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi chủ động tưới tiêu. Lũy kế diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín thủy lợi chủ động tưới tiêu của Vĩnh Long đạt 112.260 ha, chiếm 93,75% so với diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh.
Đáng chú ý, trong năm 2020, Bộ NN và PTNT cũng đã đưa vào sử dụng các công trình cống đập lớn như: Cống Vũng Liêm, cống Tân Dinh, cống Bông Bót nằm trong Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng BĐKH vùng Nam Mang Thít (Vĩnh Long và Trà Vinh) thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (ICRSL). Hệ thống này nhằm kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459 ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Hiện các địa phương trong vùng dự án đã chủ động lấy nước, tiêu nước lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, tạo địa bàn bố trí dân cư, kết hợp giao thông thủy – bộ tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn…
Còn tại tỉnh Hậu Giang, nhiều công trình lớn đã và đang phát huy hiệu quả, như dự án đê bao ngăn mặn Vị Thanh – Long Mỹ có chiều dài hơn 31 km, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng (ngân sách Trung ương). Đây là một trong 27 dự án ứng phó BĐKH được Hậu Giang ưu tiên đầu tư. Dự án góp phần hình thành hành lang giao thông liên hoàn, đảm nhận vai trò chống xâm nhập mặn và các hiện tượng BĐKH, nước biển dâng, nhất là ở các xã nằm ở vùng ven sông Cái Lớn của tỉnh. Với người dân vùng trũng nơi đây, dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống và sản xuất. Bà Nguyễn Thị Uôl, ở ấp 6, thị trấn Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Từ khi có tuyến đê bao này, ngoài việc giúp đi lại dễ dàng, bà con cũng không còn lo về xâm nhập mặn, yên tâm sản xuất”.
Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ Nguyễn Thanh Giang cho biết: Rút kinh nghiệm năm 2020 bị vỡ bốn cái đập ngăn mặn gây ảnh hưởng đến 800 ha lúa đông xuân, cho nên năm nay, huyện đã chủ động gia cố các tuyến đê bao, cống đập, đồng thời tiến hành đắp 87 đập thời vụ ngăn mặn trên địa bàn các xã: Lương Nghĩa, Lương Tâm, Thuận Hòa, Vĩnh Viễn A, thị trấn Vĩnh Viễn. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai đóng 25 trong số 36 cống tròn và cống hở nằm dọc theo các tuyến đê bao ngăn mặn trên địa bàn huyện. Những cống tròn và cống hở chưa đóng là những nơi nước mặn chưa xâm nhập, địa phương đang tận dụng để trữ nước ngọt nhằm phục vụ sản xuất và sinh hoạt nhất là 120 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Khi theo dõi độ mặn nơi nào đạt từ 1,5 phần nghìn sẽ tiến hành đóng ngay các cống để ngăn mặn.
Một công trình khác có ý nghĩa rất lớn nữa của Hậu Giang trong mùa khô hạn là dự án hồ chứa nước ngọt ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy. Đây là vùng trũng và lõi của Hậu Giang cho nên tránh được mặn xâm nhập và thuận lợi để điều tiết nước đến các vùng khác thuộc huyện Phụng Hiệp, TP Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ. Hồ chứa nước ngọt này khởi công từ cuối tháng 3 – 2019, có tổng vốn đầu tư 164 tỷ đồng, với diện tích 50 ha, trong đó phần mặt hồ rộng 21 ha. Với lượng nước được trữ trong hồ khoảng 1,8 triệu m3, khi hoàn thành hồ sẽ phục vụ nước ngọt cho hơn 248 nghìn hộ dân. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, Trương Cảnh Tuyên cho biết: Dự kiến cuối quý I-2021, công trình hồ nước ngọt cơ bản hoàn thành 80%, với trữ lượng hơn 600.000 m3 nước. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt từ hồ nước ngọt này, Hậu Giang kiến nghị tiếp tục bổ sung làm giai đoạn 2, đó là mở rộng diện tích mặt hồ, lên thêm 100 ha, trữ lượng hơn một triệu mét khối nước. Đồng thời, đầu tư hệ thống ống dẫn nước từ hồ về các nhà máy xử lý nước để bảo đảm nguồn nước trên các tuyến kênh, rạch bị xâm nhập mặn, bị ô nhiễm. Song song với đó, đầu tư hệ thống các trạm bơm để đưa nước ra phục vụ sản xuất ở các vùng lân cận hồ.
Mời các bạn theo dõi Bài 1: Sống hài hòa với tự nhiên