Sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng giữa Việt Nam với châu Âu, đẩy giá cước vận tải đường thủy tăng vọt.
Sự cố kênh đào Suez phải đóng cửa vì tàu Ever Given bị mắc cạn không chỉ làm tăng giá cước vận chuyển tàu biển mà còn tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước châu Âu.
Khó chồng khó
Theo một số doanh nghiệp xuất, nhập khẩu Việt Nam, hiện nay việc kẹt kênh đào Suez đã làm thay đổi kế hoạch sản xuất, kế hoạch giao hàng của các nhà sản xuất, những công ty thương mại Việt Nam có thị trường chính là châu Âu và một phần của khu vực bờ Đông nước Mỹ.
Trao đổi với Zing, ông La Quang Trí, Giám đốc Công ty Cổ Phần ShipOffer cho biết sự cố này cộng với các yếu tố khác đã có từ trước như giá dầu tăng, 14 tàu bị kẹt 2 tháng ở Quảng Ninh do trục trặc về thủ tục hàng hoá… khiến công ty ông cũng như nhiều doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thuê tàu chuyến khó thuê được tàu hơn.
Hiện, nhiều tuyến hàng đã tăng giá rất cao. Chẳng hạn, tuyến từ Oman về Việt Nam, đối với các tàu 50.000 DWT có giá từ 12 USD/tấn tăng vọt lên 28 USD/tấn; tuyến Thái Lan điến các cảng phía Bắc Việt Nam trước đây, tàu 20.000 MT giá thuê chỉ khoảng 10-12 USD/tấn, nhưng hiện đã tăng lên 22 USD/tấn. Tuyến hàng thép xuất đi từ TP.HCM qua Thái Lan trước đây giá chỉ khoảng 14 USD/tấn thì hiện tại giá cước đã tăng 20 USD vẫn chưa tìm được tàu.
Theo ông Trí, trong thời gian xảy ra sự cố, các tàu xuất khẩu qua châu Âu buộc phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. “Hành trình này kéo dài thêm hơn 5.000 hải lý, khiến một con tàu bình thường phải mất thêm 2 tuần di chuyển. Thời gian vận chuyển kéo dài làm cho chi phí tăng cao”, ông phân tích.
Ngoài ra theo vị giám đốc này, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu dầu chính, sự cố của tàu Ever Given cũng tác động đến việc nhập khẩu dầu của Việt Nam. Trước mắt lượng dầu sẽ giảm, thời gian giao hàng chậm lại, giá dầu sẽ tăng.
“Một số tàu vận tải hàng rời, khí hoá lỏng, hoá chất của Việt Nam đi qua kênh đào Suez cũng bị ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác tàu”, ông nói thêm.
Tương tự, Công ty Cổ phần dịch vụ Xuân Thịnh kinh doanh mặt hàng xăng, dầu cho biết sự cố tại kênh đào Suez làm chậm các đơn hàng dầu từ nhà cung cấp về Việt Nam từ 3-4 ngày nay khiến doanh nghiệp này không có hàng hoá trả cho các đại lý.
Còn ông Phan Tuấn Anh, đại diện một công ty logistics ở Hà Nội cũng cho hay việc tàu Ever Given mắc cạn khiến tàu của công ty ông bị chậm lịch cập cảng, không trả hàng kịp cho khách. “Trước đó, công ty tôi đã cân nhắc quay lại chạy vòng Mũi Hảo Vọng nhưng chi phí đội lên rất cao”, ông nói.
Theo ông Tuấn Anh, năm nay là một năm khó khăn của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. “Tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch Covid-19 nay lại đến sự cố tại kênh đào Suez”, ông nói thêm.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng
“Mặc dù con tàu Ever Given hiện đã được giải phóng, vẫn còn phải chờ gia cố luồng sau sự cố thì Suez mới có thể hoàn toàn thông tuyến. Với hàng trăm con tàu hiện vẫn đang bị kẹt ở cả 2 đầu phía Đông và phía Tây kênh đào Suez đã 7 ngày qua, dự kiến hậu quả đối với các doanh nghiệp Việt vẫn còn kéo dài”, ông Trí nhận định thêm.
Các chuyên gia hàng hải cũng cho rằng thị trường vận tải hàng hóa đường biển sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong những tháng tới vì sự cố của tàu Ever Given ảnh hưởng tới lịch trình của hàng trăm tàu thuyền.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết do ảnh hưởng tại kênh đào Suez kéo dài.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự cố kênh đào Suez cho thấy trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về chính trị, xã hội, thiên tai, dịch bệnh… chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, đứt gãy bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường. Đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.
Ngày 26/3, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết một số doanh nghiệp thuỷ sản đang gặp khó vì cước vận tải biển.
Theo VASEP, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết giá cước tàu đi tuyến châu Âu vừa mới hạ nhiệt thì tuyến đi Mỹ lại rất căng thẳng. Hiện nay, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết hãng tàu đều rất ít vì các hãng tàu ưu tiên cho hàng khô vì giá cước có lợi hơn.
Ngày 29/3, con tàu khổng lồ Ever Given đã hoàn toàn được giải phóng. Tuy nhiên, tuyến vận chuyển qua kênh đào Suez được dự đoán mất nhiều thời gian để lưu thông bình thường trở lại.
Theo CNN, 367 tàu – bao gồm 35 tàu chở dầu thô và 96 tàu container – đang chờ để lưu thông qua kênh Suez. Khi giao thông được nối lại, sẽ mất nhiều ngày để giải phóng hàng tồn đọng, khiến hàng hóa tiếp tục bị trì hoãn trên đường vận chuyển.