Từ nay đến năm 2023, 10 tổ chức về phát triển bền vững tại 4 quốc gia Nepal, Uganda, Việt Nam, Đức sẽ thiết lập mạng lưới “Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo (NLTT) góp phần thực hiện NDC”, nhằm mục tiêu thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại chính sách để xây dựng quá trình chuyển dịch dài hạn sang 100% NLTT tại các quốc gia này. Thông tin được đưa ra tại Hội thảo khởi động dự án diễn ra ngày 25/3, tại Hà Nội.
Các tổ chức đối tác thực hiện dự án tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD).
Theo bà Phạm Thị Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình năng lượng và khí hậu, WWF, Việt Nam được đánh giá có nhiều khả năng thực hiện tiến trình này bởi hiện nay, mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam tăng nhanh nhất trong Tiểu vùng Mê-kông mở rộng và có xu thế tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch. Trong thời gian tới, dự báo tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trung bình gần 5% mỗi năm cho tới 2035, trong đó, nhu cầu điện sẽ tăng 8% mỗi năm và kéo theo tổng sản xuất điện của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với năm 2015. Mặt khác, năng lượng tái tạo (NLTT) có đầy đủ tiềm năng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam đồng thời đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm không khí, ổn định khả năng tiếp cận năng lượng cho tất cả và tạo ra việc làm xanh.
Việc xây dựng lộ trình 100% NLTT có thể mang lại một tầm nhìn dài hạn cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ “nâu” sang “xanh”, góp phần thiết lập các định hướng chính sách cấp thiết giúp Việt Nam thực hiện thành công Thỏa thuận Paris. Đó là mục tiêu Mạng lưới Đối tác đa bên (MAP) hướng đến. MAP sẽ tạo ra cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhóm bên liên quan khác nhau (chính phủ, chính quyền địa phương, xã hội dân sự, doanh nghiệp, nhà khoa học, các đối tác phát triển) trong quá trình xây dựng lộ trình trên, đồng thời, tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại chính sách cần thiết để triển khai các quá trình chuyển đổi dài hạn.
Dự án cũng dự kiến sẽ xây dựng Kịch bản 100% NLTT cho Việt Nam trên cơ sở mô phỏng các hướng chuyển dịch phù hợp. Kết quả của mô hình sẽ là cơ sở khoa học cho hoạt động đối thoại chính sách, để từ đó xây dựng lộ trình chính sách, bao gồm các cơ hội và thách thức để nhân rộng NLTT. Bên cạnh đó, góp phần xây dựng các chính sách NLTT và điều chỉnh chiến lược NLTT hiện tại nhằm nâng cao tham vọng và các cam kết dài hạn về NLTT.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI – Phó chủ tịch VBCSD nhận định, thông qua việc hợp tác các bên liên quan, việc cùng xây dựng một tầm nhìn chung về vai trò của 100% NLTT được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong tham gia hiện thức hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030.
Thực tế, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh; nhưng nguồn đó từ đâu ra lại chưa có câu trả lời. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia đã và đang nỗ lực chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch ở khắp các nhà máy hệ thống của họ. Và Việt Nam cũng đang rất cần những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa – vốn chiếm phần lớn khối doanh nghiệp – tích cực chuyển đổi. Họ có ý thức rằng điều này góp phần vào nỗ lực chung ứng phó BĐKH của quốc gia, nhưng vẫn cần có hỗ trợ nhất định, đặc biệt là trong tăng trưởng xanh, tài chính xanh…
Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, hơn 120 quốc gia hiện đã đưa mục tiêu phát thải bằng 0 thành cam kết hoặc đưa vào các văn bản mang tính chất quy phạm pháp luật, nhiều quốc gia khác cũng đang thảo luận về vấn đề này. “Xu hướng tiến tới không phát thải các-bon đang lan rộng và buộc chúng ta phải quan tâm hơn nữa vấn đề này” – ông Tấn chia sẻ.
Trong số 194 bên tham gia Thỏa thuận Paris, khoảng 145 quốc gia trong đó có Việt Nam đã đề cập đến NLTT trong Bản đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) như một cách để giảm nhẹ BĐKH. Trong thời gian tới, các tổ chức trong mạng lưới MAP cho biết sẽ chủ động liên kết với các mục tiêu của NDC tại Việt Nam thông qua việc thúc đẩy NLTT, bằng cách nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và thúc đẩy đối thoại chính sách giữa các bên liên quan. Kết quả của dự án sẽ được chia sẻ với các nước tham gia và tại các diễn đàn quốc tế như những ví dụ thực hành tốt nhất.
Việc tổ chức đối thoại đồng cấp nhằm tăng cường hội nhập khu vực cũng sẽ iới thiệu kết quả của dự án, làm rõ về các lợi ích kinh tế – xã hội của NLTT và tạo cơ hội chia sẻ kiến thức giữa các bên liên quan của các quốc gia trong khu vực, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách bắt tay vào các dự án 100% NLTT tương tự trong tương lai.