Hiện nay, rừng tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chủ yếu là rừng nghèo kiệt. Đặc biêt với rừng đầu nguồn sông Gianh còn bị suy giảm do người dân triển khai trồng trồng keo sản xuất nên thường xuyên xảy ra hiện tượng xói mòn, sạt lở đất.
Báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng chỉ chiếm 1/3 diện tích rừng của huyện (trên 30.000ha) còn lại là rừng tự nhiên sản xuất, rừng trồng chiếm trên 60.000ha. Hệ quả, năm 2020 trên địa bàn huyện đã xuất huyện nhiều điểm sạt lở, xói mòn đất.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, đồng thời tạo sinh kế cho người dân, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với UBND huyện Tuyên Hóa và Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Tài nguyên Vùng Cao (CEGORN) đã khởi động Dự án: Cùng phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh.
Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, nguyên là Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, TS Hứa Đức Nhị nhận định: Cùng với sự phát triển của xã hội, rất không may, nhiều diện tích rừng đã bị mất đi và chúng ta đều đã chứng kiến những hệ quả mà nó đem lại. Lũ lụt, sạt lở ở nhiều ngọn núi mà phần lớn xảy ra tại khu vực đất trống, đồi núi trọc hoặc có rừng tự nhiên nhưng là rừng rất nghèo không đủ khả năng phòng hộ môi trường, giữ nước.
Do đó, ông Nhị kỳ vọng Dự án phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh sẽ hỗ trợ những người trồng rừng vừa tạo ra những khu rừng có chất lượng cao nhất là trong việc điều tiết nguồn nước, vừa phát triển các lợi ích phi gỗ dưới tán rừng và phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh từ rừng.
Thông báo kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Cao Xuân Tín ngày 17/3/2021 đánh giá: “Chương trình tài trợ và phục hồi rừng bằng cây bản địa giai đoạn 2021 – 2030 của VARS là một chương trình thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi rừng tự nhiên trên địa bàn”.