Các doanh nghiệp nay phải tuân thủ quy định rủi ro khí hậu được đặt ra bởi cơ quan quản lý ở nhiều nước.
Các cơ quan quản lý tài chính trên toàn cầu đang rất quan tâm đến biến đổi khí hậu và muốn doanh nghiệp niêm yết ở nước họ đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm để theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ các yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị), đồng thời chỉ định một người phụ trách về rủi ro khí hậu. Cơ quan này cũng cho biết sẽ tăng cường tập trung vào việc công khai các vấn đề liên quan đến khí hậu đối với doanh nghiệp niêm yết. Trong đó, giới thiệu những quy định buộc các doanh nghiệp niêm yết phải công khai chuyện biến đổi khí hậu hoặc các nỗ lực chống biến đổi khí hậu có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của họ như thế nào.
Kể từ tháng 9 vừa qua, các cơ quan quản lý ở Anh, New Zealand và Thụy Sĩ cũng cho biết họ đang lên kế hoạch đưa ra các quy định yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công khai rủi ro khí hậu. Các sở giao dịch chứng khoán ở Hồng Kông, London hay Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch tương tự. Liên minh châu Âu có thể sẽ nối gót, theo sau là các sở giao dịch ở nhiều nước khác.
Sự sốt sắng của các cơ quan quản lý xuất phát từ mối quan ngại rằng biến đổi khí hậu đang đe dọa đến tính ổn định tài chính toàn cầu, nhất là khi biến đổi khí hậu cùng các thảm họa thiên nhiên như dịch bệnh, cháy rừng, bão cát… xảy ra ngày càng nhiều hơn và khốc liệt hơn, gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, dữ liệu do doanh nghiệp cung cấp về rủi ro khí hậu lại khó lòng đảm bảo về độ chính xác và tính chân thật. Hơn nữa, báo cáo của doanh nghiệp về rủi ro khí hậu phần lớn trên tinh thần tự nguyện. Họ lại có xu hướng chọn phương pháp tính toán và đưa ra số liệu có lợi cho mình. Báo cáo cũng ít khi nào tiết lộ bất cứ điều gì về rủi ro của một doanh nghiệp trong tương lai.
Đó là lý do các cơ quan giám sát, điều hành ở nhiều nước đặt kỳ vọng vào Lực lượng Đặc nhiệm về Công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD) được thành lập vào năm 2015 bởi Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), một tổ chức có nhiệm vụ thúc đẩy sự ổn định tài chính quốc tế thông qua công tác trao đổi thông tin và hợp tác trong công tác thanh tra giám sát tài chính.
TCFD đã giới thiệu một chuẩn báo cáo gồm 11 hạng mục lớn, từ lượng carbon doanh nghiệp thải ra cho đến quản lý rủi ro khí hậu. Các nhà chức trách đặt kỳ vọng vào chuẩn báo cáo này vì nó tập trung vào các rủi ro vật chất hơn là tác động môi trường và vì nó yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về kế hoạch tương lai của họ. Trong đó có yêu cầu “phân tích các kịch bản” mà theo đó chiến lược của một doanh nghiệp được kiểm tra trước các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai như một thế giới nóng hơn hay giá carbon cao hơn.
Nỗ lực của TCFD đã hấp dẫn các tổ chức tài chính. Khối doanh nghiệp tài chính chiếm gần 50% trong tổng số khoảng 1.800 doanh nghiệp hậu thuẫn cho các sáng kiến, kiến nghị của TCFD. Tổng cộng nhóm này nắm giữ khối tài sản khổng lồ trị giá hơn 150.000 tỉ USD với sự góp mặt của 10 nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới và 8 trong số 10 ngân hàng lớn nhất toàn cầu. Các khách hàng của họ và cơ quan quản lý nhiều nước đang vận động các tổ chức tài chính này phải nhanh chóng áp dụng chuẩn báo cáo của TCFD, từ đó các tổ chức tài chính sẽ quay sang thúc giục doanh nghiệp phải làm điều tương tự, giúp đẩy nhanh tiến trình áp dụng chuẩn rủi ro khí hậu.
Giới đầu tư chắc chắn sẽ rất phấn khởi vì cho phép họ có cái nhìn toàn diện hơn về triển vọng kinh doanh trước những rủi ro khí hậu có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà họ rót vốn.
Nhưng không phải công ty nào cũng vui vẻ làm điều này, bởi họ sẽ phải tuân thủ thêm một thước đo ESG đầy thách thức. Nhiều nhà lãnh đạo cho biết doanh nghiệp của họ thiếu năng lực chuyên môn trong việc thực hiện phân tích các kịch bản dựa trên khí hậu (dù bộ quy định do TCFD cung cấp có hướng dẫn cụ thể). Chỉ 7% số doanh nghiệp lớn công khai thực hiện phân tích các kịch bản như vậy, theo một báo cáo đánh giá 1.700 doanh nghiệp của TCFD.
Một vấn đề lớn khác là những tiết lộ như vậy có thể khiến họ bị nhà đầu tư ghẻ lạnh. Do đó, chỉ khi nào việc báo cáo các kịch bản rủi ro khí hậu trở thành một quy định bắt buộc bởi cơ quan quản lý, nếu không những doanh nghiệp sớm áp dụng các quy định này có thể rơi vào nguy cơ trên. Một ví dụ là Pháp, quốc gia đã đưa việc công khai rủi ro khí hậu trở thành quy định bắt buộc đối với các nhà quản lý tài sản, công ty bảo hiểm và quỹ hưu bổng vào năm 2016. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Pháp cho thấy những doanh nghiệp buộc phải công khai các rủi ro khí hậu đã sở hữu ít hơn 40% giá trị trái phiếu, cổ phiếu và các loại chứng khoán khác của những đơn vị có liên quan đến nhiên liệu hóa thạch so với các doanh nghiệp không phải công khai.
Sự chuyển đổi như vậy có thể đẩy cao chi phí vốn đối với các dự án gây ô nhiễm và góp phần giảm lượng khí thải nhà kính, nhưng bản thân việc công khai rủi ro khí hậu sẽ không làm giảm được lượng carbon thải ra, theo Remo Fischer thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc. Về lý thuyết, rủi ro từ quy định bắt buộc công khai các kịch bản khí hậu có thể được giảm nhẹ bằng cách chuyển các tài sản “nặng carbon” sang những nơi có các quy định môi trường dễ thở hơn.
Hơn nữa, việc công khai rủi ro khí hậu cũng không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả là giảm được lượng khí thải nhà kính. Năm ngoái AGL Energy (Úc) đã công bố một báo cáo phân tích các kịch bản khí hậu, nhưng giải pháp Công ty đưa ra vẫn là tiếp tục khai thác một trong những nhà máy điện chạy than của Hãng cho đến năm 2048.