Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý vùng đất ngập nước và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; đồng thời, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Bảo vệ vùng đất ngập nước
Theo Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với tài nguyên nước và cuộc sống con người. Đất ngập nước cũng là “cái nôi” quan trọng của đa dạng sinh học; bảo vệ, giảm thiểu tác động của bão, nhất là các hệ sinh thái rừng ngập mặn, là tấm chắn bảo vệ vùng ven biển. Các vùng đất ngập nước cung cấp lương thực, thực phẩm, hỗ trợ phát triển kinh tế từ việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Gần đây, vùng đất ngập nước còn được khai thác mạnh để phát triển ngành du lịch. Do đó, việc bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước là một trong những mục tiêu ưu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, các vùng đất ngập nước chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, rừng ngập mặn ở Long Sơn, TP. Vũng Tàu và các ao đầm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu… Các vùng đất ngập nước này có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, quý, hiếm.
Điển hình là Vườn Quốc gia Côn Đảo có 14 nghìn ha đất ngập nước với các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển. Đất ngập nước ở Côn Đảo rất đa dạng về kiểu loại, phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học cao, có nhiều chức năng và giá trị rất quan trọng. Đất ngập nước phân bố ở hầu khắp các vùng sinh thái trên quần đảo, gắn bó lâu đời với cộng đồng dân cư, có vai trò to lớn đối với đời sống nhân dân và phát triển kinh tế huyện đảo; có nhiều chức năng rất quan trọng như: nạp và tiết nước ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa sinh thái và khí hậu… và là nơi du lịch giải trí, tạo môi trường hoạt động cho nhiều ngành sản xuất.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, để phát huy giá trị các vùng đất ngập nước, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phục hồi các vùng đất ngập nước như: trồng rừng ngập mặn; lựa chọn mô hình ứng dụng phục hồi san hô cứng tại khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo; đồng thời, triển khai dự án di dời, cứu hộ trứng và rùa con để phục hồi quần thể rùa biển tại Côn Đảo trước tác động của nhiệt độ tăng, triều cường, nước biển dâng do biến đổi khí hậu (BĐKH); quan trắc môi trường nước biển định kỳ; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải…
Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý vùng đất ngập nước cũng đang gặp nhiều khó khăn, khiến cho diện tích đất ngập nước có nguy cơ ô nhiễm môi trường và bị thu hẹp. Nguyên nhân chủ yếu là tác động của BĐKH ngày càng gia tăng; đồng thời do sự phát triển nhanh chóng của đời sống, kinh tế – xã hội. Chẳng hạn như các vùng đất ngập nước của Côn Đảo đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác thủy sản, các loại chất thải như dầu mỡ cặn, túi ni lông… từ cửa sông đẩy ra. Trong khi đó, diện tích rừng ngập mặn ở các địa phương như: TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ, huyện Xuyên Mộc cũng giảm rõ rệt do nạn phá rừng ngày càng tăng; cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp.
Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, để bảo vệ và phát huy giá trị vùng đất ngập nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh tập trung rà soát, đánh giá để phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; tăng cường thực hiện Công ước Ramsar và thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – công nghệ về đất ngập nước.
Phát triển bền vững đa dạng sinh học
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nên tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có rừng nguyên sinh với hệ động – thực vật phong phú đa dạng. Đơn cử như Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích gần 20 nghìn ha. Trong đó, hợp phần rừng bảo tồn là gần 6 nghìn ha, phần còn lại là hợp phần bảo tồn biển. Nơi đây có hệ sinh thái điển hình của một vùng biển nhiệt đới và là sinh cảnh của nhiều loài động thực vật đặc hữu của Việt Nam, khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Trong đó, đối với hợp phần rừng, Vườn Quốc gia Côn Đảo có kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới với 4 hệ sinh thái: Hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp, hệ sinh thái rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển, hệ sinh thái rừng ngập nước phèn và hệ sinh thái rừng ngập mặn. Hiện, đã ghi nhận có 1.077 loài thực vật thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc có có mạch và 155 loài động vật thuộc 64 họ, 26 bộ là loại thú, loài chim, bò sát…
Còn đối với hợp phần biển, Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có 14 nghìn ha đất ngập nước với các hệ sinh thái là rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển. Trong đó, hệ sinh thái thảm cỏ biển với diện tích khoảng 1.000 ha và hệ sinh thái rạn san hô với diện tích 1.800 ha. Đến nay, ghi nhận 1.725 loài sinh vật biển với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 205 loài cá rạn san hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển… Bên cạnh đó, vùng biển Côn Đảo còn là nơi phân bố phong phú của rùa biển. Trung bình mỗi năm có 507 cá thể rùa mẹ lên bãi biển Côn Đảo đẻ trứng và có khoảng 110.651 cá thể rùa con được thả về biển.
Để góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các Sở, ngành chức năng và các địa phương quản lý tốt diện tích đất rừng, diện tích đất ngập nước, đặc biệt là vùng đất ngập nước ven sông, ven biển; kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với BĐKH, nghiên cứu mực nước dâng và xây dựng khu vực phải thiết lập hành lang phải bảo vệ bờ biển để bảo vệ hệ sinh thái ven bờ.
Cũng theo ông Đặng Sơn Hải, mặc dù đa dạng sinh học có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống, mang lại những lợi ích thiết thực cho con người và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, song, do tình trạng ô nhiễm môi trường, BĐKH gia tăng; tình trạng khai thác và săn bắn động vật hoang dã chưa được kiểm soát tốt, đã và đang làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và phát triển xã hội bền vững. Do vậy, nhằm kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Sở TN&MT phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các cơ quan có liên quan xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học. Trong đó, tập trung giám sát diễn biến đa dạng sinh học trong mối liên quan với tác động do BĐKH gây nên; nghiên cứu đưa ra các giải pháp ứng phó với BĐKH của các hệ sinh thái, nhất là đối với hệ sinh thái biển, ven biển, hệ sinh thái nông nghiệp và hệ sinh thái đô thị. Ngoài ra, xây dựng, triển khai kế hoạch trồng, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, vùng cửa sông, ven biển, rạn san hô, thảm cỏ biển… để tái lập sự đa dạng sinh học trước đây; bảo vệ diện tích rừng và số loài động, thực vật quý hiếm bị đe dọa trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu và Vườn Quốc gia Côn Đảo…
Trong giai đoạn 2020 – 2030, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước ở các vùng dễ bị tổn thương, nơi bị áp lực phát triển kinh tế – xã hội và các hoạt động sản xuất tự phát làm thu hẹp diện tích đất ngập nước; đồng thời, kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo quy định cũng như hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. |