Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa xác định có dấu hiệu hủy hoại rừng và diện tích rừng bị chặt phá ở tiểu khu 231, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa đã vượt quá khung xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức kiểm điểm
Ngày 21.3, UBND huyện Cam Lâm có báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, liên quan đến vụ phá rừng tại tiểu khu 231 mà Báo Lao Động phản ánh, UBND xã Suối Tân đã tổ chức họp kiểm điểm về việc thiếu trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp, để xảy ra tình trạng xâm phạm đất rừng trái phép tại tiểu khu 231; xử lý chấn chỉnh bộ phận địa chính xã trong việc thiếu tích cực thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã, chưa tham mưu kịp thời, thiếu phối hợp sâu sát, xử lý chưa đến cùng vụ việc; xử lý chấn chỉnh các bộ phận liên quan (công an, ban chỉ huy quân sự xã) chưa chủ động trong việc nắm bắt thông tin, chưa tích cực điều tra, xử lý các đối tượng xâm hại đất lâm nghiệp. Tuy vậy, hình thức kỷ luật, kiểm điểm mà các cán bộ, công chức xã Suối Tân tự nhận như thế nào, UBND huyện Cam Lâm không thông tin rõ trong báo cáo gửi UBND tỉnh.
Trước đó, ngày 17.3, các cơ quan chức năng của huyện Cam Lâm (công an, viện kiểm sát, kiểm lâm) và xã Suối Tân đã tiến hành khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được đối tượng gây ra vụ phá rừng. Ông N.N.C (trú xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) làm rẫy gần đó, khi được mời lên, cũng không thừa nhận mình là đối tượng chặt phá rừng.
Ông C cho biết, vào năm 2015, ông mua 1ha đất của ông T.M.T bằng miệng, không có giấy tờ, liền kề khu vực rừng bị phá. Sau đó, ông C trồng xoài, sầu riêng, chuối, bí đỏ, xáo tam phân. Đáng chú ý, trên phần đất ông C canh tác có nhiều gốc cây gỗ với mật độ dày đã bị chặt hạ, đốt cháy từ trước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xác định được đây là đất gì.
UBND huyện Cam Lâm cho hay, hiện tại, UBND xã Suối Tân đang tích cực phối hợp với Hạt kiểm lâm và các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh đối tượng chặt phá rừng, xâm phạm đất rừng để tiến hành xử lý theo quy định.
Có dấu hiệu hủy hoại rừng
Theo Chi cục Kiểm lâm, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng chặt phá rừng tại địa bàn xã Suối Tân, ngày 19.2.2021, Hạt Kiểm lâm Cam Lâm đã phối hợp với UBND xã Suối Tân tổ chức kiểm tra hiện trường khu vực thuộc lô 3 khoảnh 231, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm phát hiện có 7.307m2 rừng tự nhiên bị chặt phá trái phép.
Tại thời điểm kiểm tra, các cây gỗ đã bị chặt hạ, cắt khúc, cành nhánh và gốc cây vẫn còn nguyên tại hiện trường. Theo kết quả kiểm tra, đo đếm xác định toàn bộ diện tích (7.307m2) khu vực rừng bị chặt phá nêu trên là rừng tự nhiên được phân loại là rừng sản xuất do UBND xã Suối Tân quản lý.
Chi cục Kiểm lâm cho rằng, diện tích rừng bị chặt phá nêu trên đã vượt quá khung xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 20 Nghị định số 35.2019 ngày 25.4.2019 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp và có dấu hiệu tội hủy hoại rừng quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 12.2017 ngày 20.6.2017.
Trả lời PV Lao Động tại khu vực rừng bị chặt phá, bà Lê Thị Chiên – công chức địa chính xã Suối Tân – nói rằng: “Trước đây, nơi này được đo đạc bằng phương pháp chụp từ trên cao toàn bộ một khu vực rộng lớn nên khó xác định đây là loại rừng gì. Khu vực này chưa giải thửa nên khó xác định được ranh giới đâu là đất của người dân, doanh nghiệp”.
PV hỏi nếu vậy làm sao quản lý rừng, bà Chiên cho rằng, nhiều lần bà đã đề xuất cấp trên tiến hành giải thửa, bóc tách để phân định hiện trạng, ranh giới nhưng đến nay công tác này vẫn chưa thực hiện được. “Chính quyền xã đâu có thẩm quyền bóc tách đất ra. Việc này giờ làm phải có nguồn tiền” – bà Chiên nói.