Ngày 22-3, tại TP Cần Thơ diễn ra hội thảo Quản trị sụt lún và quản lý nước ngầm tại khu vực ĐBSCL.
Hai nguyên nhân chính gây sụt lún
Theo tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia (Hà Lan, ĐH Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL): Tốc độ sụt lún ở ĐBSCL lên đến 5,7 cm/năm (năm 2019), cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối (35 mm/năm). Điều này cho thấy tốc độ mực nước biển dâng tương đối, chủ yếu là do sụt lún đất. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Các chuyên gia đưa đến kết luận: Có hai tác nhân chính gây ra sụt lún ở ĐBSCL là quá trình nén tự nhiên và khai thác nước ngầm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nước ngầm nhiễm mặn cũng là một vấn đề ngày càng gia tăng ở sông Mekong và là nguyên nhân chính làm giảm nguồn nước ngọt dưới bề mặt. Cứ mỗi m3 nước ngọt được khai thác từ các tầng chứa nước thì có 13 m3 nước ngọt dự trữ bị mất đi do xâm nhập mặn tự nhiên và bị hòa lẫn nước lợ ngầm.
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu ĐBSCL, cho rằng cần giảm sử dụng nước ngầm, vì càng khai thác nước ngầm thì ĐBSCL càng sụt lún. Để giảm sử dụng nước ngầm, chúng ta có thể sử dụng nước sông. Tuy nhiên, để nước đủ sạch cho sinh hoạt thì phải cải cách về nông nghiệp, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và giảm xả thải ra sông ngòi.
“Khi người dân đồng bằng sử dụng được nước sông như trước đây thì chỉ vài chục năm bà con sẽ giảm sử dụng nước ngầm, hạn chế tình trạng bị sụt lún đất” – ông Thiện nói.
Sụt lún ở Cần Thơ diễn ra rõ rệt
Riêng tại Cần Thơ, sụt lún đang xảy ra rõ rệt. Sụt lún đất đang xảy ra tại TP này thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng của TP ở mức độ mà người dân có thể nhận thấy. Cụ thể, tốc độ sụt lún do Bộ TN&MT đo lường tăng lên 4,37 cm/năm từ năm 2005 đến 2017. Khảo sát của InSAR từ năm 2015 đến 2019 cho thấy TP Cần Thơ là điểm nóng về sụt lún với tốc độ vượt quá 5 cm/năm ở hầu hết các khu vực.
Những vấn đề này đặt ra thách thức: Một số vùng của Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mực nước biển vào năm 2100 nếu không giảm thiểu việc khai thác nước ngầm.
Các chuyên gia đưa ra hai kịch bản cho bài toán sụt lún tại Cần Thơ. Thứ nhất, phần lớn TP Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mực nước biển vào năm 2100 nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục theo kịch bản kinh doanh như bình thường. Thứ hai là giảm hoạt động khai thác nước ngầm.
Sự khác biệt giữa hai kịch bản là rất lớn và biện pháp giảm khai thác nước ngầm để giảm lún giúp duy trì độ cao trong tương lai. Tuy giảm khai thác 50% vẫn sẽ bị lún nhưng lượng sụt lún thấp hơn đáng kể.
Theo các chuyên gia, hậu quả của việc mất độ cao ở địa bàn TP Cần Thơ là khác nhau, vì đây không phải là một tỉnh ven biển nhưng lại phải đối mặt với vấn đề ngập lụt. Nếu việc khai thác nước ngầm tiếp tục không suy giảm, phần lớn TP Cần Thơ sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2080.