Tỉnh Cà Mau có hơn 100.000ha diện tích rừng. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn khoảng 60.000ha. Đây là kiểu rừng giàu trữ lượng carbon nhất. Ước tính, mỗi ha rừng ngập mặn có thể khai thác hàng trăm tấn carbon với giá 5 USD/ tín chỉ.
Để các chủ rừng, người dân tiếp cận với thị trường tín chỉ carbon, ngày 20.3, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC) phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (CMBA) tổ chức Chương trình cà phê kết nối doanh nghiệp với chủ đề “Tiềm năng thị trường mua bán tín chỉ carbon tại tỉnh Cà Mau”.
Tại buổi cà phê lần này, đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các đơn vị quản lý rừng được nghe chuyên gia tư vấn về những vấn đề có liên quan đến thị trường mua bán tín chỉ carbon hiện nay.
Theo đó, đơn vị, địa phương có rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý và bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon thông qua cơ chế giảm phát thải do phá rừng và thoái hóa rừng, viết tắt là REDD. Thời điểm hiện tại, giá tạm tính là 5 USD/tấn CO2. Theo tính toán sơ bộ, nếu nơi nào có diện tích hàng nghìn ha rừng thì lợi ích từ việc giao dịch tín chỉ carbon là không nhỏ.
Tín chỉ carbon là giấy phép hoặc giấy chứng nhận cho phép chủ sở hữu nó sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính. Những công ty, doanh nghiệp gây ô nhiễm được quy định hạn mức thải CO2 nhất định, nếu muốn thải quá hạn mức thì phải mua thêm hạn mức thông qua tín chỉ carbon. Với quy định này, tỉnh Cà Mau có diện tích rừng lớn, theo đó số tín chỉ carbon cũng rất lớn, là nguồn thu mà lâu nay chưa được chú ý tới.
Tại buổi cà phê kết nối, đại diện các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp mong muốn các chuyên gia tư vấn tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh nghiên cứu tính toán định lượng carbon, trình tự, thủ tục đạt được tín chỉ carbon và phương thức giao dịch tín chỉ trong thời gian tới.
Hiện nay trên cả nước có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon có thể đem trao đổi. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 địa phương được cấp mua bán tín chỉ carbon. Cũng giống như các địa phương khác, Cà Mau cần một số cơ chế cụ thể để hình thành thị trường trao đổi tín chỉ carbon ở tại địa phương. Nguồn thu từ việc kinh doanh tín chỉ carbon sẽ được sử dụng cho các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, cải thiện sinh kế cho người dân.