Là trung tâm của các tỉnh trung du miền núi phía bắc, với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát huy lợi thế, những năm gần đây kinh tế tỉnh Thái Nguyên có bước phát triển, đầu tư hạ tầng, đô thị tăng nhanh nên cần lượng đất làm vật liệu san lấp rất lớn. Tuy nhiên, do tình trạng quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương một số nơi, thậm chí có nơi bao che, dung túng cho nạn khai thác đất trái phép khiến dư luận bức xúc, tài nguyên và ngân sách bị thất thu.
Nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu đất làm vật liệu san lấp phục vụ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép khai thác sáu mỏ đất ở các huyện Phú Bình, Ðồng Hỷ, thị xã Phổ Yên và TP Sông Công. Nhưng trên thực tế, nạn khai thác đất trái phép diễn ra tràn lan, do trốn tránh đóng góp cho ngân sách các khoản thuế, phí nên giá rẻ hơn đất các mỏ từ 15 đến 20% và là nguồn cung cấp chủ yếu trên địa bàn: Rất nhiều chủ đầu tư mua đất khai thác trái phép, trong khi đó các chủ đầu tư mỏ đất rơi vào tình trạng “sống dở chết dở” vì không bán được đất.
Tại mỏ đất Khu Ðông ở phường Bạch Quang, TP Sông Công chủ mỏ được cấp phép khai thác với trữ lượng một triệu khối đất, ngân sách nhà nước thu được hai tỷ đồng tiền trúng đấu giá, 1,4 tỷ đồng tiền quỹ bảo vệ môi trường, 660 triệu đồng tiền thuê đất và khai thác mỗi khối đất thu được bốn khoản thuế, phí, gồm: thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và phí bảo vệ môi trường. Tính ra, mỗi khối đất cung cấp cho thị trường, ngân sách nhà nước thu được từ 13 – 14 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau khi chi phí đầu tư hàng chục tỷ đồng để được cấp phép khai thác mỏ đất Khu Ðông từ tháng 10-2020, mua sắm hai máy xúc trị giá 10 tỷ đồng và bố trí năm nhân sự quản lý mỏ, đến nay mỏ đất Khu Ðông chưa bán được khối đất nào, thậm chí công trình đang xây dựng ngay bên cạnh cũng không mua đất của mỏ Khu Ðông mà mua đất khai thác trái phép vì giá thấp hơn.
Ðể được cấp phép khai thác mỏ đất Phú Cường ở xã Tân Hòa, huyện Phú Bình từ cuối năm 2019, Công ty cổ phần Phú Cường Thái Nguyên vay mượn hơn 15 tỷ đồng để đấu giá quyền khai thác, ký quỹ bảo vệ môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng, thuê tư vấn thiết kế khai thác mỏ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuyển dụng cán bộ, công nhân, mua máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do khai thác đất trái phép diễn ra tại một số xã trên địa bàn huyện nên Công ty cổ phần Phú Cường Thái Nguyên rất khó bán đất, đang đứng trước bờ vực phá sản. Có mỏ đất tại xã Kha Sơn cùng huyện Phú Bình, ngoài việc phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí theo quy định cho ngân sách nhà nước và giải phóng mặt bằng với số tiền gần 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Bê-tông xây dựng Việt Cường còn phải đóng cho địa phương 300 triệu đồng để sửa chữa đường giao thông, nhưng cũng rất khó tiêu thụ đất vì không thể “cạnh tranh” được với các “đầu nậu” khai thác đất trái phép.
Nghịch lý trong quản lý, khai thác tài nguyên đất đã, đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương buông lỏng, thậm chí có dấu hiệu bao che, “bảo kê” của một số cán bộ biến chất nên các “đầu nậu”, cá nhân ngang nhiên khai thác đất trái phép, dẫn dắt thị trường đất làm vật liệu san lấp ở địa phương, trong khi các đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép mỏ đất làm ăn chân chính, đóng góp đầy đủ các khoản thuế, phí cho ngân sách nhà nước thì đang đứng trước nguy cơ phá sản, vì không bán được đất. Giám đốc Công ty TNHH Bê-tông xây dựng Việt Cường Ðoàn Văn Tùng cho biết: “Nếu địa phương ngăn chặn được tình trạng khai thác đất trái phép, lập lại trật tự kỷ cương, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ thu được hàng chục tỷ đồng từ việc khai thác đất làm vật liệu san lấp, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, an toàn giao thông và hạ tầng giao thông nông thôn”.
Bất cập trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn thể hiện ở chỗ, theo quy định, tất cả các công trình, dự án phải sử dụng vật liệu san lấp có nguồn gốc, khai thác hợp pháp, nhưng trên thực tế rất nhiều công trình, dự án trên địa bàn sử dụng vật liệu san lấp là đất khai thác trái phép nên không thể có chứng từ hợp pháp, nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn nghiệm thu, thanh toán khối lượng vật liệu san lấp. Như thế khác nào gián tiếp tiếp tay cho vấn nạn khai thác đất trái phép, làm cho ngân sách và tài nguyên đất thất thoát lớn, trong thời gian dài, khiến dư luận bức xúc.