Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 sẽ được tiến hành đồng loạt trên quy mô toàn cầu vào lúc 20h30 ngày 27/3 với chủ đề “Speak up for Nature” – “Lên tiếng vì thiên nhiên”.
Đây là thông điệp với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng, đề cao sợi dây liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.
Tại Việt Nam, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 tập trung kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, thành phố và các cơ quan, tổ chức tham gia vào Cuộc đua Phát thải cân bằng, trong đó, kêu gọi xã hội cùng chung tay đưa phát thải khí nhà kính về ngưỡng cân bằng và giảm thiểu để không còn rác thải nhựa trong tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, chung sức đưa Việt Nam đạt được các mục tiêu tại Chương trình Mục tiêu Quốc gia đến năm 2030, thực hiện cam kết Thỏa thuận Paris và các cam kết về Biến đổi khí hậu khác đối với quốc tế.
Năm 2021, cùng với việc phòng chống COVID-19, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan đề nghị các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các Đại sứ quán… theo dõi, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 quy mô gọn, không tập trung đông người; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng.
Triển khai thực hiện việc treo, đăng các hình ảnh có chủ đề, thông điệp liên quan đến Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 (Pano, băng rôn, phướn, áp phích, infographic…tại các trụ sở, nơi làm việc, địa điểm công cộng và các địa điểm phù hợp khác đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Phối hợp cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, địa phương truyền tải thông điệp, ý nghĩa của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021; phát sóng Trailer giới thiệu về chủ đề, mục đích, ý nghĩa của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021; giảm thiểu nhựa; thực hiện thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu; bảo tồn đa dạng sinh học.
Tổ chức Chương trình tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp, các cơ chế chính sách trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tính toán phát thải, hiệu ứng nhà kính, bảo vệ đa dạng sinh học, thực hiện các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Tọa đàm sẽ gồm các nhà quản lý đại diện các bộ ngành, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện những doanh nghiệp tiêu biểu và một số người có sức ảnh hưởng cộng đồng của Việt Nam.
Thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 trên các phương tiện mạng xã hội; chia sẻ trailer, hình ảnh, các hoạt động hưởng ứng sự kiện.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 27/3/2021 (Thứ Bảy).
Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 sẽ được phát động theo hình thức trực tuyến. WWF khuyến khích người dân trên toàn thế giới nâng cao nhận thức và đăng tải lên mạng trực tuyến “những hình ảnh không thể bỏ qua” liên quan thực trạng môi trường hiện nay, đồng thời, tích cực chia sẻ những video trên các trang mạng xã hội thuộc WWF.
WWF nêu rõ: “Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản, đó là tạo sự chú ý đối với hành tinh của chúng ta và các video đăng tải trở thành video được xem nhiều nhất trên thế giới vào ngày 27/3 để càng nhiều người tiếp nhận được thông điệp của chúng tôi càng tốt”.
Lần đầu tiên được tiến hành tại thành phố Sydney của Australia vào năm 2007, Chiến dịch Giờ Trái đất hiện đã trở thành một trong những chiến dịch vì môi trường lớn nhất thế giới, được hưởng ứng tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có Việt Nam. Hoạt động chính là cùng tắt đèn, thiết bị không cần thiết để thể hiện sự ủng hộ đối với hành tinh, trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tại Việt Nam, Chiến dịch “Giờ Trái đất” đã có 12 năm được thực hiện với sự hưởng ứng của đông đảo người dân trên cả nước, nhất là giới trẻ. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Chiến dịch Giờ Trái đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và WWF phối hợp tổ chức thành công với sự tham gia hưởng ứng của các tỉnh, thành trên cả nước, đạt được hơn 2,6 triệu lượt tiếp cận nội dung trên mạng xã hội, đặc biệt Chương trình tọa đàm (Talk Show) trên kênh VTV1 vào ngày 28/3/2020 đã thu hút hàng triệu khán giả truyền hình theo dõi và được đánh giá cao. |