Trồng cây xanh, phải gắn với việc giao đất, giao rừng, xác định được chủ thể quản lí, bảo vệ gắn với quyền lợi và trách nhiệm của họ.
Ưu tiên các tỉnh miền Trung
Việc đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp nói riêng, tăng cường trồng cây xanh nói chung lẽ ra là là trách nhiệm của ngành lâm nghiệp phải chủ động đề xuất với Chính phủ.
Tuy nhiên với việc người đứng đầu Chính phủ đã chủ động, sáng suốt đưa ra ý tưởng về chương trình trồng 1 tỉ cây xanh, có thể nói đây là dịp may hiếm có, bởi việc triển khai sẽ rất thuận lợi khi đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của xã hội, của Chính phủ cả về chủ trương, nguồn lực…
Năm 2020, đất nước ta đã trải qua những thiên tai vô cùng khủng khiếp, nhất là lũ lụt lịch sử gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở miền Trung. Trong 7 vùng sinh thái của cả nước, miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng cực đoan nhất của thiên tai bão lũ, bởi địa hình hẹp ngang (có nơi từ đông sang tây chỉ 50-60km), nhưng độ dốc từ đông sang tây lại rất lớn. Các sông ở đây ngắn, dốc, và luôn phải gánh một lượng nước đổ về đột ngột khi có mưa lớn cực đoan.
Những thiệt hại do thiên tai bão lũ lịch sử trong năm 2020 ở miền Trung càng cho thấy tính cấp thiết cần phải tập trung giữ bằng được rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ, đẩy mạnh trồng rừng, trồng cây xanh để giữ nước, tạo ra lá phổi xanh, thảm thực vật trù phú cho khu vực này.
Vì vậy trong quá trình triển khai chương trình trồng 1 tỉ cây xanh tới đây, các tỉnh miền Trung cần được ưu tiên nhất về nguồn lực để hỗ trợ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng.
Hiện nay, chất lượng rừng ở các tỉnh miền Trung nhìn chung còn thấp, tỉ rừng rừng nghèo kiệt vẫn còn lớn. Vì vậy, chương trình này trước hết cần ưu tiên cho các giải pháp để phát triển rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở các khu vực rừng nghèo, kiệt, chất lượng kém. Trong đó, chú trọng vào các chủ rừng là các tổ chức do Nhà nước quản lí.
Tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”
Trong triển khai, cần xác định tiêu chí trồng rừng theo diện tích, kể cả trồng cây phân tán cũng có thể quy về diện tích, chứ không nên tính theo số lượng cây. Bên cạnh đó, cần phải có những nghiên cứu, rà soát, đánh giá thiết kế một cách căn cơ, khoa học để xem quỹ đất để phát triển rừng hiện nay còn bao nhiêu, nơi nào thì trồng cây gì cho phù hợp nhất cả về yếu tố môi trường, cảnh quan, ý nghĩa kinh tế, xã hội…
Vấn đề thứ hai là phải xác định được chủ rừng. Bài học kinh nghiệm trong bảo vệ phát triển rừng giai đoạn qua, đó chính là chủ trương giao đất, giao rừng. Bởi chỉ khi rừng có chủ, mới có thể đảm bảo phát triển được một cách bền vững.
Ví dụ chúng ta phát động trồng cây xanh ở các các đường làng ngõ xóm, công trình giao thông, các khuôn viên, công trình công cộng… thì phải xác định trồng cây gì, trồng thế nào, kỹ thuật ra sao thì phù hợp, nguồn lực tài chính ở đâu, ai chịu trách nhiệm chi tài chính để trồng….
Khi trồng, phải giao cho chủ thể là ai là người đứng ra có trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ, cây ấy có được thu hoạch không, thu hoạch thế nào, tới khi thu hoạch thì người chăm sóc, bảo vệ ấy được hưởng những quyền lợi gì… Chúng ta không thể phát động trồng cây xanh kiểu chung chung, phát động trồng xong rồi bỏ đấy, “cha chung không ai khóc”. Hoặc người có công trồng, chăm sóc, bảo vệ lại không được hưởng quyền lợi phù hợp khi thu hoạch, trong khi lợi ích lại thuộc về người không làm gì.