Điều công an, quân đội giữ rừng

Trước tình trạng rừng bị tàn phá nghiêm trọng, một số địa phương ở Đắk Lắk đã điều công an, quân đội phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm giữ rừng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk, năm 2020, lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 700 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 740 m3 gỗ các loại, hơn 500 phương tiện vi phạm. Hiện nay, đã bắt đầu vào mùa khô, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp nên nhiều chủ rừng đã đề nghị các lực lượng khác hỗ trợ.

Cùng tuần tra với chủ rừng

Giữa tháng 1-2021, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) đã có văn bản đề nghị UBND huyện Buôn Đôn hỗ trợ, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và PCCC rừng mùa khô năm 2021.

UBND huyện Buôn Đôn cho biết nhằm hạn chế hành vi xâm hại tài nguyên rừng, tránh để xảy ra các điểm nóng về khai thác vận chuyển lâm sản và phá rừng trái pháp luật, UBND huyện Buôn Đôn giao nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị liên quan, trong đó đáng chú ý là tăng cường nhân lực cho các chủ rừng.

Một khu rừng tự nhiên ở Đắk Lắk bị tàn phá vào đầu mùa khô năm 2021

Theo đó, giao Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn bố trí 2 đến 3 người và giao Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn bố trí 2 người hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng tại trạm quản lý bảo vệ rừng số 2, 3 và 4 thuộc BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn. Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn cử cán bộ tham gia Tổ Kiểm tra liên ngành để hỗ trợ các đơn vị chủ rừng kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng và PCCC rừng.

UBND huyện Buôn Đôn cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn nghiêm túc thực hiện công tác phối hợp theo Nghị định số 02/2020/NĐ CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ, quy định về hoạt động phối hợp của dân quân tự vệ. Công tác phối hợp giữa Ban Chỉ huy Quân sự huyện với Công an huyện, Kiểm lâm huyện, các ngành chức năng có liên quan và các đồn biên phòng đóng trên địa bàn, phối hợp tuần tra kiểm soát khu vực biên giới; quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng ở địa phương, cơ sở.

Đối với lực lượng công an, UBND huyện Buôn Đôn yêu cầu cử cán bộ tham gia Tổ Kiểm tra liên ngành để hỗ trợ các đơn vị chủ rừng kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, PCCC rừng. Phối hợp với các ngành chức năng liên quan điều tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân phá rừng lấy đất sản xuất, xâm chiếm đất lâm nghiệp và khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Điều tra, thống kê, phân loại các đối tượng chuyên nghiệp khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép lâm sản và động vật rừng.

Giảm 50% số vụ vi phạm

Ông Lê Danh Khởi, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Buôn Đôn cho rằng tình trạng dân di cư tự do phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép trên lâm phần của đơn vị đang diễn biến phức tạp khi mùa khô đến. Tại các cuộc họp, ông Khởi đã nhiều lần ý kiến nếu không có sự vào cuộc và hỗ trợ của các đơn vị khác mà chỉ mình chủ rừng thì không thể giữ được rừng.

Cũng theo ông Khởi, sau khi được UBND huyện tăng cường nhân lực từ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, 2 sĩ quan này đã cùng ăn ở trong rừng, phối hợp với lực lượng của đơn vị tổ chức tuần tra, truy quét lâm tặc. “Kể từ ngày có lực lượng quân đội, kiểm lâm viên cùng tham gia, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần của đơn vị có bước chuyển biến tích cực. Bóng dáng của các lực lượng này đã phần nào làm lâm tặc chùn tay, số vụ vi phạm lâm luật giảm một nửa” – ông Khởi nói.

Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho hay thực tế đã có những quy định về việc phối hợp trong công tác truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng nhưng quan trọng là sự vận dụng của từng địa phương như thế nào. Hiện nay, một số huyện đã bổ sung lực lượng công an, quân đội hỗ trợ cho các chủ rừng để xử lý các điểm nóng về tình trạng vi phạm lâm luật. “Tình trạng phá rừng đang diễn biến phức tạp, chỉ mỗi chủ rừng thì khó bảo vệ được. Khi có sự phối hợp của công an, quân đội thì thẩm quyền xử lý sẽ cao hơn, mạnh mẽ hơn nên có tính răn đe, giáo dục cao. Tuy nhiên, vẫn phải xác định chủ rừng đóng vai trò then chốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng” – vị này nhấn mạnh.

Ngoài tăng cường nhân lực, tỉnh Đắk Lắk cũng đang xem xét đề xuất của một số huyện, chủ rừng về việc lắp camera chống lâm tặc. Ông Đỗ Xuân Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết hiện đã có 2 công ty lâm nghiệp triển khai phương án lắp camera chống lâm tặc và bước đầu thu được hiệu quả. Tuy nhiên, tỉnh chỉ đang nghiên cứu cho lắp ở một số khu vực chứ chưa triển khai trên diện rộng. Các chủ rừng nên tính toán lắp ở những khu vực nào lâm tặc thường di chuyển để dễ theo dõi và tiết kiệm.

Thiếu hụt lực lượng

Sau hàng loạt nhân viên, lãnh đạo bị khởi tố vì để rừng bị tàn phá, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đang thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng quản lý bảo vệ rừng

Ông Trần Quốc Ái, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar cho biết hiện người lao động khá lo lắng, khó có thể tập trung vào công việc. Ngoài thu nhập thấp, trung bình 4,7 triệu đồng/người, công ty cũng đang nợ BHXH khoảng 600 – 700 triệu đồng. Trong khi đó, môi trường làm việc áp lực, nhiều rủi ro, vất vả nên trong 2 năm qua, đã có khoảng 10 lãnh đạo, nhân viên xin nghỉ việc.

Tương tự, theo ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk), trong những năm gần đây, nhiều nhân viên giữ rừng đã làm đơn xin nghỉ việc. “Lương thấp, áp lực giữ rừng lớn trong khi điều kiện sinh hoạt tại các chốt trạm xa xôi, vất vả nên nhiều anh em không mặn mà với công việc” – ông Tuấn nói.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Nguồn: