Ông Vừ A Hừ – Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) cho biết, do các lực lượng phải tập trung chống dịch COVID-19 nên việc dân phá rừng, xã chưa nắm được.
Trong những ngày ngày đầu năm 2021, theo ghi nhận thực tế của PV, nhiều người dân bản Nà Pen, xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên thường xuyên vác cưa máy vào phá khu rừng tái sinh trên địa bàn để chặt hạ cây, chế biến gỗ. Nhiều diện tích đã bị đốt để làm nương rẫy, những cây gỗ có đường kính từ 20-30cm đã được lấy đi hoặc xẻ thành ván và cất giấu ngay tại trong rừng.
Vấn đề ở chỗ, những hành động đó diễn ra công khai, ngang nhiên từ ngày này qua tháng khác nhưng không thấy sự can thiệp của lực lượng chức năng.
PV đã có buổi làm việc với UBND xã Nà Nhạn để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này.
Trả lời câu hỏi, ông Vừ A Hừ – Phó Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn – cho biết các lực lượng chức năng xã… chưa nắm được nội dung phản ánh vì từ đầu năm 2021, trên địa bàn xã có người mắc COVID-19 nên trong tháng 1 và tháng 2, UBND xã chưa triển khai đi kiểm tra, tuần tra bảo vệ rừng lần nào.
“Công tác tuyên truyền từ đầu năm đến nay cũng chưa được tổ chức, còn kết quả tuần tra, bảo vệ rừng từ đầu tháng 3 đến nay chưa thấy Kiểm lâm phụ trách địa bàn báo cáo”, ông Hừ nói thêm.
PV tiếp tục mang câu hỏi tới làm việc với Kiểm lâm phụ trách địa bàn Nguyễn Trọng Mười. Ông Mười nói rằng: “Phải được sự đồng ý của lãnh đạo Hạt (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Ðiện Biên Phủ) thì tôi mới được trả lời”. Tuy nhiên, sau 5-6 cuộc điện thoại của ông Mười để “xin ý kiến” thì lãnh đạo Hạt vẫn không nghe máy.
Được biết, trong năm 2020, chính quyền địa phương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Điện Biên Phủ xử lý 10 vụ phá rừng trên địa bàn với các mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ án hủy hoại đối với ông Lò Văn Chôm, bản Huổi Hụ vì đã phá hơn 4.000m2 rừng phòng hộ.
Khu vực vùng cao Nà Pen được chia làm hai bản, Nà Pen 1 và Nà Pen 2, có 220 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu 100% là người dân tộc Mông. Do nhu cầu lấy gỗ để làm nhà, chuồng trại và nguồn chất đốt; cùng với đó, hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề nương rẫy nên nhiều năm qua, tình trạng phá rừng tái sinh vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa phát nương (từ tháng 11 hàng năm đến hết tháng 4 năm sau).
Theo báo cáo của UBND xã Nà Nhạn, năm 2020, tỉ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn xã là hơn 41%. Thế nhưng với tình trạng phá rừng, phá rừng tái sinh hằng năm vẫn diễn ra như hiện nay thì tỉ lệ che phủ rừng trên thực tế là bao nhiêu? Câu hỏi này dành cho chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan!