Loay hoay giữ rừng Điện Biên

Vàng A Giàng ngẩn ngơ trước mảnh rừng vừa phá. Ảnh: Thành Chương

Trên đường vào huyện biên giới Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), chúng tôi gặp một mảnh rừng mới bị đốt; trong mùi cay nồng của khói, hàng trăm thân gỗ nằm la liệt trên nền đất nham nhở tro than…

Viện đủ lý do để phá rừng

Trước cảnh hoang tàn đến đau lòng, một cán bộ kiểm lâm địa bàn giải thích với PV, khu vực này thực chất là đất nương, không thuộc quy hoạch 3 loại rừng. Từ nhiều năm nay người dân bỏ hoang nên những cây tái sinh mọc mới to như vậy. Đã có nhiều đợt vận động, tuyên truyền để người dân ngừng chặt phá nhưng không hiệu quả vì họ nói không có đất canh tác.

Không có việc làm, không có đất canh tác, bệnh tật, ốm đau… là đủ thứ lý do người dân nơi đây viện ra để chặt phá những cánh rừng tái sinh, trong đó Thào A Cầu là một trường hợp điển hình. Cầu năm nay 21 tuổi, nhà ở bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Cầu thủng thẳng: “Bố mất từ 3 năm trước và để lại duy nhất mảnh nương này cho 4 anh em; 2 đứa em gái út sinh năm 2004, là chị em sinh đôi đều đã đi lấy chồng. Người em trai thứ 2 là Thào A Pềnh sinh năm 2002, năm trước đi làm ăn ở Quảng Ninh về nghỉ tết và phải ở nhà luôn do dịch COVID-19… không phá rừng thì biết làm gì?”.

Trong câu chuyện của người kiểm lâm, những trường hợp mất việc làm phải ở nhà như Pềnh, huyện này có hàng trăm người. Ngay như bản của Pềnh cũng có cả chục trường hợp. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2020, Hạt kiểm lâm huyện Nậm Pồ đã phát hiện và xử lý 9 vụ phá rừng và 1 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật với số tiền phạt hơn 100 triệu đồng. Đáng chú ý là vụ phá rừng với diện tích gần 10.000m2 của Giàng A Là, trú tại bản Tàng Do, xã Nậm Tin…

Tại một quả đồi vừa bị cạo trọc lóc, nổi lên giữa một màu đen của than tro là những cây gỗ đường kính trên 20cm, nhiều tấm ván đã được xẻ vuông vức; chúng tôi gặp Vàng A Giàng – chủ của quả đồi. Giàng cho biết, đây là những cây gỗ từ 7 đến 8 năm tuổi, anh quyết định phá toàn bộ rừng cây để lấy gỗ, lấy ván làm cột nhà, gỗ nhỏ thì làm củi còn lại những thứ không dùng được thì đốt để cải tạo đất trồng lúa nương. Qua trò chuyện, được biết những năm trước Vàng A Giàng từng đi lao động thuê ở Trung Quốc nhưng do dịch bệnh, vợ con thường xuyên đau ốm nên năm nay anh quyết định ở nhà và đó cũng là lý do mảnh rừng này bị cạo trọc.

Tại trụ sở của Hạt kiểm lâm huyện, Hạt trưởng Nguyễn Đình Lương chia sẻ: Phải nói thật là trong việc xử phạt người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có những biên bản ngay khi lập xong đã biết trước là… sẽ vô hiệu. Có khi cán bộ kiểm lâm lặn lội cả ngày đường đến nhà người dân vi phạm để kê biên tài sản, nhưng trong nhà họ chẳng có thứ gì đáng giá trên 100.000 đồng. Lại có những trường hợp sau khi bị lập biên bản vi phạm thì họ bỏ đi khỏi địa phương, ở nhà chỉ còn lại người già và trẻ em…

Không chịu thoát ly để thoát nghèo

Theo tìm hiểu của PV, việc bảo vệ rừng ở Nậm Pồ vốn đã khó nhưng việc vận động người dân khoanh nuôi diện tích đủ điều kiện thành rừng còn khó khăn hơn. Câu chuyện của gia đình Thào A Cầu mà chúng tôi chứng kiến chỉ là một ví dụ điển hình trong số hàng trăm trường hợp mà cán bộ gặp phải trong khi đi tuyên truyền vận động.

Ông Hạng Nhè Ly – Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ – cho biết: Từ nhiều năm nay, huyện đã triển khai nhiều chương trình, đưa ra nhiều giải pháp để định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế như: phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi dưới tán rừng; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Hay chiến lược dài hơi là đào tạo nghề cho lao động phổ thông và đưa người trên địa bàn huyện đi làm việc ngoài huyện, ngoài tỉnh… Tuy nhiên, việc khó nhất là thay đổi tư duy của đại bộ phận người vùng cao vốn quen với những tập quán từ nhiều đời nay.

Theo số liệu của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ, đến nay trên địa bàn huyện mới chỉ có hơn 300 lao động đi làm việc ở ngoài tỉnh, gần 30 lao động xuất khẩu. Đây là con số quá khiêm tốn so với hơn 30.000 người trong độ tuổi lao động.

Được biết hiện nay, tại khu vực trung tâm huyện Nậm Pồ đã được đầu tư xây dựng một nhà máy nước có công suất 1.200m3/ngày. Khi được bàn giao đi vào hoạt động sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ khu hành chính của huyện và các vùng lân cận. Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn nước ngày càng cạn kiệt như hiện nay thì nguy cơ nhà máy không hoạt động được theo công suất thiết kế là rất lớn. Quan sát phía thượng nguồn của nhà máy nước, thuộc địa phận bản Nậm Ngà, xã Nậm Chua và bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ có thể thấy, các triền đồi dọc theo 2 bên suối gần như trọc lóc.

Ông Hạng Nhè Ly – Phó Chủ tịch UBND huyện – tỏ ra bối rối khi chúng tôi đề cập đến thực trạng này. Ông cho biết, vấn đề vận động người dân khoanh nuôi, bảo vệ rừng luôn được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm.

“Việc cấp thiết hiện nay là khoanh nuôi, bảo vệ khu vực rừng thượng nguồn để bảo đảm nguồn cho nhà máy nước hoạt động. Bản thân tôi cũng nhiều lần đến tận bản tổ chức các buổi họp dân để tuyên truyền, giải thích. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của đồng bào Mông là làm nương theo phương pháp luân canh, năm nay làm ở mảnh nương này, 2-3 năm lại chuyển sang làm ở mảnh nương khác. Do vậy chỉ sau 3-4 năm thì mảnh nương cũ đã có những cây to bằng bắp chân người lớn” – ông Ly nói.