Sau khi phân tích máy bay không người lái hoặc mua ảnh của NASA chưa hiệu quả, Bình Thuận đã sử dụng phần mềm ảnh vệ tinh để giám sát rừng.
Ngày 14-3, nguồn tin của PLO cho biết, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo gửi HĐND tỉnh về việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo đó, từ 2018 UBND tỉnh đã giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất cho UBND tỉnh phương án sử dụng máy bay không người lái phục vụ công tác quản lý rừng trên địa bàn tỉnh.
Qua kết quả 2 lần tổ chức bay thử nghiệm tầm soát lâm phận rừng của Viettel và Công ty TNHH Đầu tư INOSOFT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và có báo cáo gửi Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho biết sử dụng máy bay không người lái quản lý rừng vẫn còn nhiều hạn chế.
Cụ thể phương án sử dụng máy bay không người lái theo Tổ hợp VTShikra (Viettel) hay Tổ hợp GEOSCAN (Inosoft) không đáp ứng được yêu cầu và kinh phí thuê 1 lần bay và chụp ảnh cho toàn diện tích rừng của tỉnh, ghép ảnh, phân tích dữ liệu độ chính xác 15cm có giá 9,335 tỷ đồng/lần là quá cao.
Ngoài ra cần phải bay nhiều lần thì mới có hình ảnh để so sánh sự khác nhau giữa lần trước và lần sau về sự thay đổi rừng.
Sau đó, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN và PTNT phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nghiên cứu, đề xuất phương án mua thông tin hình ảnh từ vệ tinh của NASA để phục vụ công tác quản lý rừng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên phương án mua thông tin hình ảnh từ vệ tinh của NASA khả năng thuyết phục chưa cao vì sau khi mua ảnh phải có thêm một bộ phận nhân lực được đào tạo giải đoán ảnh nhằm phân tích, phát hiện, kiểm chứng, so sánh diện tích rừng thay đổi theo từng mốc thời gian trong năm.
Việc này vừa mất thời gian, vừa nằm ngoài khả năng về nguồn nhân lực hiện có trong ngành lâm nghiệp của tỉnh.
Vì vậy Sở NN&PTNT đã liên hệ với Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm để đề xuất việc sử dụng phần mềm phát hiện mất rừng bằng vệ tinh Landsat 7+8, Sentinel-2. Mục đích sử dụng ảnh vệ tinh qua các kỳ để so sánh tìm ra vị trí, diện tích mất rừng, thay vì sử dụng máy bay không người lái chụp ảnh có nhiều nhược điểm.
Hiện nay phần mềm Ứng dụng công nghệ viễn thám sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận mới bắt đầu đi vào hoạt động đầu tháng 02-2021.
Vừa qua UBND tỉnh có yêu cầu Sở NN và PTNT sau 2 tháng hoạt động phải chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan có đánh giá toàn diện về dự án, rút ra những tồn tại bất cập và đề xuất những việc làm tiếp theo. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10-4-2021 để xem xét chỉ đạo hoặc kiến nghị cấp trên đưa ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng bản đồ không ảnh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; hệ thống WebGIS quản lý, giám sát tài nguyên rừng Bình Thuận đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN và PTNT với trách nhiệm là cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực lâm nghiệp tập trung chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, truy cập dữ liệu, báo cáo nhanh chóng… để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các Sở, ngành liên quan bố trí kinh phí đầu tư các trang thiết bị công nghệ thông tin và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng cho các lực lượng chuyên ngành và mở rộng cho cán bộ phụ trách nông – lâm nghiệp của cấp xã có rừng trên địa bàn tỉnh; Xây dựng, đề xuất chính sách thu hút nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ có trình độ cao trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ảnh viễn thám trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Máy bay không người lái (UAV) thuộc tổ hợp VT-Pigeon của Viettel có trọng lượng 26 kg, sải cánh 3,25 m; dải vận tốc hoạt động từ 80 đến 120 km/giờ; cự ly hoạt động 50 km, trần bay 3.000 m; thời gian bay được ba giờ.
Trên máy bay được trang bị camera quang học (EO Sensor) và camera ảnh nhiệt (IR Sensor) nên trinh sát được cả ban ngày lẫn ban đêm và truyền hình ảnh độ phân giải cao (Full HD) theo thời gian thực về trạm điều khiển mặt đất.
Máy bay hoạt động được trong điều kiện gió cấp 5 (dưới 38 km/giờ). Camera của tổ hợp VT-Pigeon cho phép phát hiện được mục tiêu tương đương người ở khoảng cách 3.000 m. Thông tin được truyền trực tiếp theo thời gian thực từ camera trên máy bay về Trạm điều khiển với cự ly 50 km.
Máy bay UAV Geoscan 201Pro của Inosoft có độ sải cánh 230 cm, bay được ở độ cao cách mặt đất 4 km. Hành trình xa nhất lên đến hơn 200 km trong điều kiện tốc độ gió lớn nhất cho phép 12 m/giây, thời gian bay được trong vòng ba giờ đồng hồ. Trên máy bay có thiết bị chụp ảnh kỹ thuật số Sony DSC- RX1.