Chính quyền Biden đang đàm phán với Nhật, Ấn Độ và Úc để phân phối các mũi tiêm kích trên khắp khu vực.
Financial Times đưa tin, Mỹ đang làm việc với Nhật, Ấn Độ và Úc để phát triển kế hoạch phân phối vaccine COVID-19 cho các nước ở châu Á như một phần của chiến lược nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Chống lại “chính sách ngoại giao vaccine” của Trung Quốc
Theo thông báo của Nhà Trắng, hội nghị thượng đỉnh của “Bộ tứ” dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến, với các lãnh đạo chính quyền cao nhất gồm: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Nhóm các nền dân chủ sẽ tạo ra một khuôn khổ để cung cấp vaccine do Ấn Độ sản xuất cho các nước châu Á và châu Phi. Đối thoại cũng sẽ xem xét kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính từ Nhật, Mỹ và Úc cho việc mua vaccine của các nước đang phát triển.
Mục tiêu của sáng kiến là giảm lượng tồn đọng trong sản xuất, tăng tốc độ tiêm chủng và đánh bại một số đột biến virus Corona. Theo đó, vaccine bổ sung tạo ra ở Ấn Độ sẽ được sử dụng trong các nỗ lực tiêm chủng ở các nước Đông Nam Á. Quốc gia này đã xuất khẩu khoảng 41 triệu liều vaccine sang các thị trường mới nổi cũng như Liên Hiệp Quốc và chương trình Covax.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh “Bộ tứ” tìm cách thành lập một mặt trận thống nhất để chống lại “chính sách ngoại giao vaccine” của Trung Quốc. Theo đó, Nhật sẽ hỗ trợ phát triển các dây chuyền lạnh, chẳng hạn như tủ lạnh, tủ đông và vận chuyển, cho các loại vaccine dễ hỏng.
“Bộ tứ” sẽ trở thành động lực cốt lõi trong chính sách châu Á
Tổng thống Joe Biden cũng nhấn mạnh việc Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và nỗ lực của ông đã được đáp ứng bởi những lo ngại gia tăng trong khu vực về sự xâm lược kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Các vấn đề môi trường, một ưu tiên đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng nằm trong chương trình nghị sự. Cuộc họp cũng sẽ thảo luận về chuỗi cung ứng cho các nguyên liệu đầu vào công nghiệp quan trọng như chất bán dẫn và đất hiếm. Ngoài ra, “Bộ tứ” cũng thảo luận về cách có thể thúc đẩy hợp tác hàng hải và an ninh mạng.
Trung Quốc đã chỉ trích nhóm này, họ cho rằng đó là một “Nato” châu Á, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Bà Tanvi Madan, chuyên gia nghiên cứu về Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu Brookings nói: “Nếu họ thể hiện giá trị cho khu vực, như họ đã làm sau trận sóng thần, thì đó là một cách truyền tải rõ ràng rằng đây không chỉ là về 4 quốc gia và là một giá trị gia tăng cho khu vực”. Vốn dĩ, nỗ lực hợp tác của “Bộ tứ” xuất hiện năm 2004 với mục đích ban đầu là để ứng phó với trận sóng thần tàn phá Indonesia và các khu vực Đông Nam Á.
Trước đây, cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã cố gắng hồi sinh “Bộ tứ kim cương” sau khi nhóm này mất hiệu lực vì lý do chính trị ở Úc, Nhật và Ấn Độ. Giờ đây, Tổng thống Biden muốn thúc đẩy đáng kể sáng kiến này, nhằm khai thác thiện chí lớn hơn của các đồng minh đối với Mỹ.
Trong một bài phát biểu gần đây, Tổng thống Joe Biden đã công kích Bắc Kinh vì “lạm dụng kinh tế và cưỡng bức”, đồng thời khẳng định: “Trung Quốc là vấn đề chính sách đối ngoại hàng đầu của Mỹ”.