Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch.
Theo Báo cáo Đánh giá về Thương mại và Môi trường của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 17/2, biến đổi khí hậu gây ra hai loại tác động chủ yếu, gồm tác động trực tiếp do sự bất ổn của khí hậu, môi trường/thiên tai và tác động gián tiếp do chính sách ứng phó biến đổi khí hậu mà đặc biệt là có liên quan đến thương mại.
Các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch, đặc biệt là các nước kém phát triển (LDCs) và các nước đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) sẽ gặp thách thức khá lớn trong việc duy trì sản xuất, việc làm và xuất khẩu ở 3 ngành này trong những thập kỷ tới.
Ví dụ ở Đông Nam Á, việc đánh bắt thủy sản quá mức đã dẫn đến suy giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản trong những thập kỷ qua; cùng với sự ấm lên của các đại dương, đánh bắt hải sản sẽ giảm khoảng 20-30%, và sẽ mất đi khoảng 20% đa dạng sinh học vào năm 2050.
Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế ven biển ở Đông Nam Á, là khu vực có hàng triệu người đang làm việc trong ngành thủy sản.
Vấn đề quan trọng là xuất khẩu của các nước đang phát triển bị ảnh hưởng không chỉ do các tác động vật lý của biến đổi khí hậu mà còn do tác động tiêu cực của “các biện pháp ứng phó” nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu được tiến hành trong nước và bởi các nước khác, như việc xóa bỏ trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và/hoặc các biện pháp điều chỉnh tại biên giới đối với carbon (CBAM).
Những thay đổi tương đối trong khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất và mức cầu của khách hàng sẽ nảy sinh do việc áp dụng những biện pháp như vậy, gây ảnh hưởng đối với mức xuất khẩu và nhập khẩu một số hàng hóa, dịch vụ nhất định của nước áp dụng biện pháp đó. Những biện pháp này cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thương mại của các nước khác cho dù họ có áp dụng các biện pháp tương tự hay không.
Theo UNCTAD, lượng khí thải trong tương lai phụ thuộc vào con đường phát triển của các nước. Để giảm biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi cách thức phát triển trong đó lượng phát thải khí nhà kính trong tương lai sẽ được cắt giảm đáng kể so với mức hiện nay.
Ngay cả khi các nước đạt được tất cả cam kết hiện tại về giảm khí thải nhà kính theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), sự ấm lên của bầu khí quyển chỉ có thể giảm dần trong vài thế kỷ tới. Biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp bách bất kể mức độ tiến triển trong việc giảm thiểu khí thải toàn cầu.
Các nước đang phát triển cần thúc đẩy ngay nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu vì họ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tổn thương đáng kể, nhưng các khoản chi phí này là rất lớn đối với họ. Để đạt được mục tiêu của UNFCCC là hạn chế Trái đất ấm lên 2ºC, dự tính tổng chi phí của các nước đang phát triển là khoảng 130-300 tỷ USD hằng năm vào năm 2030 và khoảng 280-500 tỷ USD vào năm 2050.
Các nước phát triển đã cam kết cùng nhau huy động khoảng 100 tỷ USD hằng năm cho tài trợ khí hậu đáp ứng nhu cầu thích ứng của các nước đang phát triển dưới hình thức Quỹ Khí hậu xanh (GCF), được lập ra trong khuôn khổ UNFCCC.
Tuy nhiên, từ nguồn tài chính này chỉ có 50 tỷ USD hằng năm dành cho thích ứng, thấp hơn nhiều so với nhu cầu dự tính 130-300 USD hằng năm và do đó tạo thành “khoảng cách thích ứng”. Chi phí thích ứng hiện nay cao hơn từ 2-3 lần so với nguồn tài chính công quốc tế dành cho thích ứng.
Chính quyền các nước và khu vực tư nhân sẽ cần cung cấp tài chính cho nhiều hoạt động thích ứng ở các nước đang phát triển qua các cách thức khác nhau như quyên góp tài trợ, ủng hộ từ những người nổi tiếng, đánh thuế thích ứng khí hậu đối với khách du lịch (ví dụ ở Bhutan)…
Trừ phi các nước đang phát triển gia tăng tính tự cường thương mại thông qua những biện pháp và hành động thích ứng, xuất khẩu của các nước này sẽ giảm đáng kể trong những ngành nhạy cảm với khí hậu. Khi việc thích ứng trở nên không khả thi hoặc quá tốn kém, các nước đang phát triển có thể theo đuổi việc đa dạng hóa trong ngành hoặc tái cấu trúc kinh tế để dịch chuyển các nguồn lực sang các ngành ít nhạy cảm hơn với khí hậu.
Trong khi đó, tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên minh châu Âu (EU) và một số nước thúc đẩy thảo luận sáng kiến tuyên bố chung (JSI) về thương mại và tính bền vững môi trường.
Tại phiên họp đầu tiên của sáng kiến này ngày 5/3, tân Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nói, nhóm thảo luận có thể tìm hiểu các vấn đề bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, cách thức mà thương mại có thể giúp đạt được các mục tiêu cân bằng carbon, cách thức để các luật lệ của WTO có thể thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và các lựa chọn cho việc giải quyết trợ cấp có hại cho môi trường.
Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh, “việc chuyển đổi xanh cần phải mang tính bình đẳng và công bằng”, có hỗ trợ cho các nước cần và quan tâm nhằm đảm bảo rằng các biện pháp môi trường không được sử dụng sai trái để phân biệt đối xử với các mặt hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển, nhất là các nước kém phát triển.
Nhằm hỗ trợ thương mại của các nước đang phát triển, Trung tâm Thương mại thế giới (ITC – là tổ chức quốc tế do Liên hợp quốc và WTO thành lập), đang triển khai Chương trình Thương mại và Môi trường, cung cấp hỗ trợ xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở các nước đang phát triển nhằm tạo sức cạnh tranh và vượt qua những rào cản có thể nảy sinh từ các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường.