Thế giới ghi nhận hơn 117 triệu ca bệnh Covid-19

Theo thống kê của Worldometers, tính đến 9 giờ sáng 8-3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 117.435.194 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2.604.847 ca tử vong; số bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục là gần 93 triệu ca trong khi vẫn còn khoảng 21,89 triệu ca đang được điều trị.

Ảnh minh họa: Kiyoshi Ota/Bloomberg

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 29.696.250 ca nhiễm và 537.838 ca tử vong. Đứng thứ 2 là Ấn Độ với hơn 11,22 triệu ca nhiễm và gần 158 nghìn ca tử vong được ghi nhận. Brazil đứng thứ 3 với hơn 11 triệu ca nhiễm và 265.500 ca tử vong.

Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ngày 8-3 thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca mắc mới (đều là các ca nhập cảnh) trong ngày 7-3 và không có thêm ca tử vong. Trong khi đó, nước này cũng công bố thêm chín bệnh nhân được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Tính đến hết ngày 7-3, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 89.994 ca bệnh Covid-19, trong đó có 4.636 ca tử vong và có 85.175 ca bệnh đã bình phục.

Trong khi đó, nhiều nước châu Á tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới trong ngày 7-3, như Indonesia 5.826 ca nhiễm và 112 ca tử vong, Malaysia 1.683 ca nhiễm và 03 ca tử vong, Bangladesh 603 ca nhiễm và 11 ca tử vong, Campuchia 34 ca nhiễm…

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tính đến ngày 7-3, số ca nhiễm ở châu lục này đã lên tới 3.955.148 ca và số ca tử vong do Covid-19 là 105.490 ca. Mặt khác, số bệnh nhân đã phục hồi tại châu lục này là hơn 3,53 triệu ca. Những nước hiện đang chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu Phi là Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia.

Tại châu Âu, ngày 7-3 nước Anh ghi nhận thêm 5.177 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 4.218.520 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 82 ca lên 124.501 ca.

Cũng trong ngày 7-3, Pháp công bố 21.825 ca mắc mới, giảm so với 23.306 ca mắc mới một ngày trước đó. Trong 24 giờ qua, Pháp cũng ghi nhận thêm 130 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 88.574 ca. Đến nay, Pháp ghi nhận tổng số ca mắc là 3.904.233 ca. Trong một diễn biến có liên quan, Pháp hiện có 3.772.579 người được tiêm mũi vaccine đầu tiên ngừa Covid-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế Italy thông báo có 207 ca tử vong, tăng so với 307 ca một ngày trước đó. Mặt khác, số ca mắc mới trong ngày tại nước này đã giảm từ 23.641 ca một ngày trước xuống còn 20.765 ca ngày 7-3. Đến nay Italy đã ghi nhận tổng cộng 3.067.486 ca mắc Covid-19, trong đó có 99.785 ca tử vong.

Liên quan tới tình hình tiêm vaccine tại châu Âu, trong bài viết ngày 7-3 của hãng tin Bloomberg đưa ra cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) có thể mất tới 100 tỷ euro do chậm triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19. “Theo tính toán của Bloomberg Economics, việc trì hoãn kinh doanh trở lại từ 1 đến 2 tháng có thể khiến nền kinh tế EU thiệt hại từ 50 đến 100 tỷ euro”, bài viết nhận định. Các nhà đầu tư lo ngại sự chậm trễ trong việc tiêm chủng vaccine có thể làm trì hoãn quá trình phục hồi nền kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh ở lục địa già.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu Airfinity có trụ sở tại London (Anh), việc ký các hợp đồng cung cấp vaccine mới và tăng cường sản xuất vaccine sẽ cho phép EU tiêm chủng cho 75% dân số trưởng thành vào cuối tháng 8 năm nay, sớm hơn hai tháng so với dự báo trước đó. Chuyên gia chiến lược Athanasios Vamvakidis của Bank of America nhận định ngay cả với kịch bản này, EU vẫn sẽ bỏ lỡ mùa du lịch thứ hai liên tiếp và đó là thiệt hại nghiêm trọng.

Trong một diễn biến liên quan, nhà sản xuất dược phẩm Mỹ Merck&Co Inc cho biết loại thuốc kháng virus mang tên molnupiravir đang phối hợp phát triển cùng với công ty công nghệ sinh học Ridgeback cho thấy có tác dụng làm giảm nhanh chóng mật độ virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn nghiên cứu 2a ở những người mới mắc Covid-19 tham gia thử nghiệm.

Trong một tuyên bố chung từ hai công ty, chuyên gia William Fischer thuộc trường Y, Đại học North Carolina xác nhận: “Các phát hiện khách quan trong nghiên cứu về lượng virus giảm nhanh hơn ở những người mới mắc Covid-19 được điều trị bằng molnupiravir là rất hứa hẹn”.

Hiện thuốc molnupiravir đang được thử nghiệm ở giai đoạn 2/3 và dự kiến hoàn tất vào tháng 5.

Năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 29.696.250 ca mắc, 537.838 ca tử vong
2. Ấn Độ: 11.229.271 ca mắc, 157.890 ca tử vong
3. Brazil: 11.019.344 ca mắc, 265.500 ca tử vong
4. Nga: 4.322.776 ca mắc, 89.094 ca tử vong
5. Anh: 4.218.520 ca mắc, 124.501 ca tử vong

Nguyên Minh (Theo Worldometers, Bloomberg, TTXVN)

Nguồn: