“Trên thế giới có 10% cán bộ y tế lây nhiễm trong tổng số ca mắc Covid-19. Vì vậy, việc bảo vệ cán bộ y tế là ưu tiên hàng đầu, để giữ vững đội ngũ y tế trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Hiệu lực bảo vệ của vaccine từ 61-67% sau mũi tiêm đầu tiên”, GS, TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ.
Hiệu lực bảo vệ tới 67% sau mũi đầu tiên
GS, TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, theo thống kê, cán bộ y tế chiếm 10% ca nhiễm Covid-19. Ở nước ta, may mắn chưa có cán bộ y tế tử vong dù đã trải qua ba lần dịch bùng phát, có thể nói đây là thắng lợi rất lớn.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên nhập về vaccine AstraZeneca. Đây là nỗ lực cố gắng hết sức của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để mang vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam sớm. Nếu được bao phủ diện rộng 2/3 dân số, chúng ta sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, giảm nguy cơ lây lan, không bùng phát thành dịch lớn, khống chế dịch, tập trung phát triển kinh tế.
GS, TS Nguyễn Văn Kính cho biết, trước khi tiêm các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc, sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng cá nhân đồng bộ với hệ thống của Bộ Y tế. Sau khi tiêm, những người này sẽ ở lại viện để theo dõi 30 phút đề phòng có tình trạng khẩn cấp xảy ra. Sau đó sẽ được đưa vào phòng bệnh đánh giá trong 24 giờ, nếu an toàn thì người bệnh về và tiếp tục được hướng dẫn, theo dõi tại nhà.
Theo nghiên cứu, sau khi tiêm mũi đầu tiên, khả năng miễn dịch của người tiêm sẽ đạt khoảng 61-67%, sau mũi thứ 2 đạt khoảng 81%. Sau tiêm, các nhân viên y tế sẽ được theo dõi sức khoẻ cũng như lấy mẫu máu để xem xét lượng kháng thể.
Thời gian bảo vệ khoảng bảy tháng. Tuy nhiên, còn tùy thuộc từng người và phải đo lượng kháng thể để đánh giá xem còn hiệu quả bảo vệ không?
“Vaccine là biện pháp phòng vệ chủ động tốt nhất, khống chế nhiều dịch bệnh. Vaccine phòng Covid-19 – AstraZeneca đã hoàn tất giai đoạn 3 và đã công bố trên các tạp chí trên thế giới. Vaccine này bảo quản không quá gay gắt chỉ từ 2-8 độ C, không khó khăn trong vận chuyển, tổ chức tiêm, giá thành không quá cao. Bên cạnh đó, vaccine này bảo đảm được các tiêu chí ban đầu là an toàn và có tính sinh miễn dịch. AstraZeneca đã được phê chuẩn ở 30 nước và hiện hãng này không sản xuất kịp để cung ứng đủ cho nhu cầu của các nước”, GS Kính cho biết.
Cần khai thác kỹ tiểu sử người tiêm
GS, TS Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, bất cứ loại thuốc hay sinh phẩm gì đưa vào cơ thể đều có những tác dụng phụ nhất định, vì vậy chúng ta luôn phải đề phòng các trường hợp xảy ra. Ngay khi tiêm vào người đã có phản ứng đau tại chỗ tiêm.
Với vaccine Covid-19 này, tác dụng phụ ghi nhận nhiều nhất là đau ở nơi tiêm, một số trường hợp có thể áp xe cả nơi tiêm; nặng nề nhất là có thể gây sốc phản vệ.
“Đây là trường hợp có thể xảy ra ở tất cả các thuốc, kể cả kháng sinh khi tiêm vào người đều có thể dẫn tới sốc phản vệ. Vì vậy, tại mỗi cơ sở, khi biết được các yếu tố bất lợi đó có thể xảy ra thì phải chuẩn bị các dụng cụ sẵn sàng để xử trí kịp thời; Đồng thời phải hỏi đầy đủ các thông tin về người được tiêm trước khi tiêm xem có tiền sử phản vệ hay không để xem xét có tiêm được hay không”, GS Kính nói.
Với vaccine phòng Covid-19, hiện nay chưa nghiên cứu nhiều ở phụ nữ mang thai. Vaccine này cũng chưa có dữ liệu nghiên cứu lâm sàng từ 0-18 tuổi nên chỉ định khuyến cáo tiêm cho người trên 18 tuổi đến 60 tuổi. Gần đây, thử nghiệm ở các nước cho thấy tiêm cho những người trên 60 tuổi vẫn có hiệu quả.
GS Kính cho biết, thông thường tiêm vaccine mũi thứ nhất của hãng nào thì mũi thứ hai cũng phải tiêm của hãng đó, vì cơ chế miễn dịch của mỗi một loại vaccine sản xuất khác nhau. Vì vậy cần có quy định nghiêm ngặt trong việc tiêm vaccine.
Các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng
Theo các bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở; Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng) có chống chỉ định tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực. Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Tạm hoãn tiêm chủng với các trường hợp có tình trạng suy chức năng cơ quan. Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (tại nách). Người mới dùng các sản phẩm Globumin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực. Người đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (prednisolon 2mg/kg/ngày) hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.
Người có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine. Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi… chưa ổn định. Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.