Nếu nói về kích thước, voi châu Phi có đôi tai lớn nhất thế giới. Nhưng so sánh tỷ lệ với cơ thể, thì loài chuột tai dài sống ở sa mạc có đôi tai to nhất, gần bằng một nửa cơ thể chúng. Các nhà khoa học giải thích tại sao tai một số loài động vật lại to hơn bình thường.
Loài chuột có đôi tai to nhất so với cơ thể
Sinh vật có đôi tai lớn nhất so với kích thước cơ thể của nó là chuột nhảy tai dài (Euchoreutes naso), một loài gặm nhấm ăn đêm, sống ở các sa mạc ở Trung Quốc và Mông Cổ.
Chuột nhảy tai dài có kích thước khoảng 10 cm từ đầu đến mông (không tính đuôi). Đôi tai của nó dài từ 3,8 đến 5 cm, bằng 40% đến 50% chiều dài cơ thể.
Vào năm 2007, chuột nhảy tai dài hiếm khi được nhìn thấy trên máy ảnh. Trong chuyến đi của Hiệp hội Động vật học London đến sa mạc Gobi ở Mông Cổ, các nhà thám hiểm đã quay được một đoạn video về loài này. Theo mô tả qua video, sinh vật này “hơi giống chuột Mickey của sa mạc”, Trưởng đoàn thám hiểm, nhà sinh vật học bảo tồn Jonathan Baillie cho biết.
Nhà động vật học Mary Ellen Holden, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ khẳng định: “Chuột nhảy tai dài có đôi tai dài nhất so với kích thước cơ thể trong toàn bộ “vương quốc động vật””.
Loài động vật sống trên cạn lớn nhất là voi châu Phi được biết có đôi tai lớn nhất so với bất kỳ loài động vật sống nào. Và để so sánh, bà Holden cho biết, tai của voi châu Phi dài trung bình gần 1,2 m, nhưng chỉ bằng khoảng 17% chiều dài cơ thể của chúng, trung bình khoảng 6 đến 7,5 m.
Sống ở nơi có khí hậu mát mẻ hơn, nơi ít cần tản nhiệt hơn, voi châu Á có đôi tai nhỏ hơn so với voi châu Phi.
Tại sao tai một số loài động vật lại to?
Đôi tai to giúp chuột nhảy tai dài và các loài động vật có vú khác sống trong môi trường khô nóng thoát nhiệt. Bà Holden giải thích: “Voi châu Phi, cáo fennec, chuột nhảy tai dài có khả năng điều hòa nhiệt độ cơ thể bằng cách thoát nhiệt nhanh chóng qua đôi tai căng đầy mạch máu. Tai của những con vật này to và mỏng, và chúng chứa nhiều mạch máu nhỏ. Trong khi lưu thông qua tai, máu sẽ giải phóng nhiệt vào không khí, từ đó giúp con vật giải nhiệt”.
Bà Holden cho biết, khi con vật bị nóng, các mạch máu trong tai của nó sẽ giãn ra để tỏa ra nhiều nhiệt hơn. Vào ban đêm, hoặc bất cứ khi nào trời lạnh, các mạch máu của động vật co lại để giúp giữ ấm.
“Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đồng ý rằng đôi tai to thường tương quan với môi trường ấm hơn”, bà Holden nói..
“Và nếu bạn nhìn vào loài voi châu Phi và châu Á, tai voi châu Phi lớn hơn nhiều so với tai voi châu Á, bởi vì voi châu Phi sống ở vùng khí hậu nóng hơn”. Đôi tai của voi châu Á dài khoảng 0,5 m, chỉ chiếm khoảng 8% chiều dài cơ thể của chúng.
Đối với các chiến lược tản nhiệt, sử dụng tai để làm mát là một cách thích nghi tốt với cuộc sống sa mạc. Nó thay thế cho việc đổ mồ hôi, cho phép các sinh vật sa mạc tiết kiệm nước trong một môi trường khan hiếm nguồn nước.
Theo bà Holden, đôi tai lớn cũng có thể giúp chuột nhảy tai dài phát hiện âm thanh tần số thấp phát ra từ côn trùng mà nó săn mồi và động vật đang rình ăn thịt nó.