Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII). Theo đó, có rất nhiều câu hỏi cần đặt ra như phát triển điện mặt trời trong thời gian tới như thế nào khi các dự án năng lượng tái tạo đăng ký đã vượt xa dự kiến cho 2045.
Đáng chú ý, giai đoạn 2021 – 2030, mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD, câu hỏi đặt ra là cần huy động các nguồn tài chính ra sao cho phát triển năng lượng?
Phát triển điện mặt trời thế nào?
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII nêu rõ, mặc dù cơ cấu nguồn điện tại 6 vùng đã được xác định bởi chương trình tối ưu nguồn, nhưng việc phân bổ chi tiết nguồn về các tỉnh, nhất là nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời vẫn gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, do chính sách khuyến khích đầu tư điện mặt trời và điện gió hấp dẫn, hiện nay lượng công suất đăng ký của các nhà đầu tư đã vượt xa kết quả tính toán tối ưu mở rộng phát triển nguồn điện đến năm 2030. Các dự án năng lượng tái tạo tập trung chủ yếu ở 4 vùng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Về điện mặt trời, năm 2030, kết quả tính toán tối ưu ở khu vực Tây Nguyên đạt khoảng 1.500 MW, nhưng tổng công suất đã và đang đăng ký đầu tư là 5.500 MW, khu vực Nam Trung Bộ tính toán đạt khoảng 5.200 MW nhưng đã đăng ký tới 11.600 MW, khu vực Nam Bộ dự kiến đạt khoảng 9.200 MW nhưng đã đăng ký 14.800 MW.
Đối với điện gió, năm 2030, chương trình phát triển nguồn điện tối ưu đề xuất khu vực Tây Nguyên là 4.000 MW nhưng đã đăng ký là 10.000 MW, khu vực Nam Bộ đề xuất 6.800 MW nhưng đã đăng ký lên tới 17.000 MW.
Theo số liệu thống kê của EVN, đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia chưa tính đến điện mặt trời mái nhà đạt khoảng trên 62.000 MW. Trong đó, công suất các nguồn điện mặt trời trên mặt đất đạt 8.838 MW; công suất nguồn điện mặt trời trên mái nhà tham gia cung ứng điện đến cuối năm 2020 ghi nhận khoảng 8.000 MW.
Việc phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không được kiểm soát phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt vào tháng 12.2020 đã gây khó khăn trong công tác vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là do đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh theo hướng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của nước ta, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm.
Ông Nguyễn Đức Ninh – Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho PV Báo Lao Động biết, trong năm 2021, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo, trong đó có hơn 500 triệu do vấn đề thừa nguồn vào các thời điểm trưa, quá tải đường dây 500kV.
Trong phần thuyết minh Quy hoạch Điện VIII, Viện Năng lượng nêu rõ: “Quy hoạch Điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới”. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời trong thời gian vừa qua, cho thấy cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Nếu không tính toán tối ưu, một cách tổng thể, dài hạn, rất có thể sẽ dẫn đến việc đầu tư mất cân đối nguồn điện vùng miền, gây khó khăn trong vận hành hệ thống điện và lãng phí trong đầu tư hạ tầng lưới điện, hậu quả là tổn thất lâu dài về kinh tế – xã hội”, GS.TSKH Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho Lao Động biết.
Tiền đâu để đầu tư điện?
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 140,2 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 73%/27%. Giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD.
Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2045.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ước tính trong tổng số vốn dự kiến đầu tư làm điện trong 10 – 15 năm tới, vốn do nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% phải đi vay từ các quỹ, tổ chức tín dụng trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn. Bởi hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng cũng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật về bảo vệ môi trường khi cho vay các dự án điện. Câu chuyện về tài chính để đầu tư, phát triển năng lượng tiếp tục là thách thức đối với cơ quan quản lý nếu không có sự thay đổi trong quy hoạch.
Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nhận xét, phát triển lưới truyền tải điện được đưa ra trong Quy hoạch Điện VIII dù rất chi tiết, nhưng khá lớn và đồ sộ. Việc tính toán cần khoảng 13 tỉ USD/năm cho ngành điện cũng là thách thức, bởi nền kinh tế không dễ để đảm bảo được. Bởi vậy, nên xem xét kỹ dự án nào cần thì làm, dự án nào chưa cần thì thôi. Công trình nguồn điện, lưới điện phải tính toán tối ưu, chứ không thể chạy theo mong muốn của các địa phương để đưa hết vào quy hoạch.
Tiền điện phải “gánh” chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo?
Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới công bố cũng có những phân tích tồn tại, hạn chế trong phát triển năng lượng, trong đó có rào cản về cơ chế bù giá. Theo dự thảo, giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống. EVN đang được Nhà nước giao thực hiện mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện năng lượng tái tạo với mức giá do Nhà nước quy định.
“Như vậy, EVN đang thực hiện chức năng thay Nhà nước, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện. Khi tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng lên, thì thành phần bù giá sẽ ngày càng tăng và ảnh hưởng lớn đến chi phí giá thành ngành điện”, dự thảo nêu.
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), trong thời gian vừa qua, định hướng quy hoạch phát triển điện còn chưa được thực hiện một cách xuyên suốt, có những điều chỉnh tác động khá lớn đến vấn đề cung – cầu điện. Chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho ngành điện khiến ngành điện thiếu vốn đầu tư.
Chính vì vậy, thời gian tới cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án quan trọng. Cần có sự phối hợp của các địa phương trong công tác triển khai các dự án điện.
Đáng chú ý, cơ chế giá điện cần thay đổi, đột phá hơn nữa, có cơ chế giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Nội địa hóa các vật tư, thiết bị ngành điện chưa đạt yêu cầu.