Trước đây, chúng ta nghĩ rằng con người khác với tinh tinh và các loài vượn khác ở bộ não lớn, đi bằng hai chân thay vì bốn chân. Nhưng các nhà khoa học cho biết, còn có một tính năng phân biệt khác đó là hiệu quả sử dụng nước.
Đó là kết quả của một nghiên cứu mới, lần đầu tiên, đo lường chính xác lượng nước mà con người mất và thay thế mỗi ngày so với họ hàng động vật sống gần nhất của chúng ta.
Con người tiêu thụ nước chỉ bằng một nửa loài vượn
Theo nghiên cứu được công bố ngày 5-3 trên tạp chí Current Biology, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trung bình con người tiêu thụ 3 lít, tương đương khoảng 12 cốc nước mỗi ngày. Trong khi tinh tinh, khỉ đột sống trong vườn thú phải tiêu thụ gần gấp đôi con số đó.
Nghiên cứu đã so sánh lượng nước luân chuyển của 309 người với nhiều lối sống, từ nông dân, săn bắn hái lượm, đến nhân viên văn phòng, với 72 con vượn sống trong vườn thú và khu bảo tồn.
Kết quả này hơi bất ngờ, vì con người có số tuyến mồ hôi nhiều gấp 10 lần tinh tinh và nói chung, hoạt động mạnh hơn nhiều so với loài vượn, nên đáng ra phải tiêu thụ nhiều nước hơn mỗi ngày. Nhưng trong số các loài linh trưởng, con người đã tiến hóa để trở thành mô hình có dòng chảy thấp.
Phó giáo sư nhân chủng học tiến hóa Herman Pontzer, Đại học Duke, tác giả chính cho biết, một sự thay đổi cổ xưa về khả năng tiết kiệm nước của cơ thể con người có thể đã cho phép tổ tiên săn bắn hái lượm của chúng ta phiêu lưu xa hơn các con suối và hố nước để tìm kiếm thức ăn.
Phó giáo sư Pontzer nói: “Ngay cả khi chỉ có thể đi lâu hơn một chút mà không có nước cũng đã là một lợi thế lớn khi con người ban đầu bắt đầu kiếm sống trong những thảo nguyên khô hạn”.
Ông Pontzer cho hay, để duy trì sự cân bằng chất lỏng trong phạm vi lành mạnh, cơ thể của con người hoặc bất kỳ động vật nào khác giống như một cái bồn tắm: “nước đi vào phải bằng lượng nước đi ra”.
Thí dụ như mất nước bằng cách đổ mồ hôi, và tín hiệu khát của cơ thể xuất hiện, yêu cầu chúng ta uống. Con người thường uống nhiều nước hơn cơ thể cần, và thận sẽ loại bỏ lượng chất lỏng thừa.
Đối với mỗi cá nhân trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu một mặt tính toán lượng nước hấp thụ qua thức ăn và đồ uống, mặt khác đo lượng nước bị mất qua mồ hôi, nước tiểu và đường tiêu hóa.
Thêm vào đó, thực tế cho thấy những con vượn lớn như tinh tinh, linh trưởng, khỉ đột và đười ươi có một cuộc sống lười biếng. “Hầu hết các loài vượn dành 10 đến 12 giờ mỗi ngày để nghỉ ngơi hoặc ăn, sau đó chúng ngủ 10 giờ. Chúng chỉ di chuyển vài giờ mỗi ngày”, ông Pontzer cho biết.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh sự khác biệt về khí hậu, kích thước cơ thể và các yếu tố như mức độ hoạt động và lượng calo đốt cháy mỗi ngày của người và vượn. Vì vậy, họ kết luận rằng, việc tiết kiệm nước của con người là có thật.
Những giả thuyết tại sao con người tiết kiệm nước
Các phát hiện cho thấy một điều gì đó đã thay đổi trong quá trình tiến hóa của con người đã làm giảm lượng nước mà cơ thể chúng ta sử dụng hàng ngày để duy trì sức khỏe.
Một giả thuyết được đưa ra là phản ứng khát của cơ thể chúng ta đã được điều chỉnh lại để về tổng thể, chúng ta cần nước cho mỗi calo ít hơn so với họ hàng loài vượn. Ngay cả khi còn là trẻ sơ sinh, rất lâu trước khi có thức ăn đặc đầu tiên, tỷ lệ nước trên calo của sữa mẹ thấp hơn 25% so với sữa của các loài vượn lớn khác.
Một khả năng khác là bằng chứng hóa thạch cho thấy rằng, khoảng 1,6 triệu năm trước, với sự ra đời của loài người cổ xưa Homo erectus, con người bắt đầu phát triển sống mũi cao hơn. Những người anh em họ của chúng ta là khỉ đột và tinh tinh có mũi phẳng hơn rất nhiều.
Đường mũi của chúng ta giúp tiết kiệm nước bằng cách làm mát và ngưng tụ hơi nước từ không khí thở ra, biến nó trở lại thành chất lỏng ở bên trong mũi, nơi nó có thể được tái hấp thu.
Việc có một chiếc mũi nhô lên cao hơn có thể đã giúp con người ban đầu giữ được nhiều độ ẩm hơn trong mỗi lần hít thở.
Ông Pontzer kết luận: “Vẫn còn bí ẩn cần giải đáp, nhưng rõ ràng con người đang tiết kiệm nước. Việc tìm ra chính xác tại sao chúng ta lại làm vậy sẽ thực sự thú vị”.