Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng lợn nhập khẩu chưa qua cách ly được cấp giấy để đi giết mổ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và Tổng cục Hải quan đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc tìm hiểu. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng phát hiện có 4 doanh nghiệp vi phạm và đã tạm dừng việc nhập khẩu lợn đối với cả 4 doanh nghiệp vi phạm.
Nhập hơn 3.000 con lợn, hơn 2.000 con chưa nộp giấy chứng nhận kiểm dịch
Chỉ trong 3 ngày (từ 10.1 đến 12.1), Công ty TNHH Đầu tư và XNK Vinh Phú (địa chỉ xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) đã làm thủ tục nhập khẩu 3.060 con lợn từ Thái Lan về qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị). Sau khi làm thủ tục thông quan, số lợn nói trên phải đưa về cách ly tại tỉnh Nghệ An và tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, quá hạn 30 ngày từ lúc làm thủ tục thông quan cho 3.060 con lợn nói trên, Công ty TNHH Đầu tư và XNK Vinh Phú vẫn chưa nộp giấy chứng nhận kiểm dịch cho 2.040 con lợn đăng ký cách ly tại tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, trong đêm 12.1 và ngày 13.1, phóng viên Báo Lao Động đã theo sát hành trình của 2 chiếc xe BKS 37C – 33638 và 37C- 31959 chở 281 con lợn nhập khẩu của công ty nói trên. Sau khi làm các thủ tục nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, 2 xe buộc phải đưa lợn đến tỉnh Thái Nguyên.
Thế nhưng, khi xe đến địa bàn thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) vào sáng 13.1, thì được kiểm dịch viên thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cấp “giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh” để đi giết mổ. Trong đó, giấy chứng nhận kiểm dịch cấp cho xe 37C-33638 ghi nơi xuất phát là phường Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), nơi đến cuối cùng là Công ty CP Thực phẩm Trường Sang – một cơ sở giết mổ gia súc ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội. Còn xe 37C – 31959 nơi xuất phát là Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, nơi đến cuối cùng là Cty CP Thịnh An ở thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Như vậy, số lợn 281 con được nhập khẩu từ Thái Lan về, khi đến tỉnh Nghệ An đã được cán bộ thú y địa phương tiếp tay cấp cho giấy phép đưa đi giết mổ. Có giấy phép này, số lợn nhập khẩu không phải qua khâu cách ly, kiểm dịch theo quy định mà tuồn thẳng ra thị trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Và ở doanh nghiệp này, không chỉ có số lợn đi trên 2 xe ôtô mà chúng tôi theo sát và phát hiện việc cấp khống giấy tờ để đưa thẳng lợn nhập khẩu vào lò mổ. Mà có thêm 1759 con lợn nhập khẩu khác được nhập khẩu từ 10.1 đến 12.1 nhưng sau 30 ngày vẫn chưa nộp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định.
Để 1 con lợn nhập khẩu từ nước ngoài nhập về lò mổ ở nước ta, phải qua bao nhiêu quy trình, giám sát từ cơ quan chức năng, trong đó trực tiếp là Thú y vùng đến Thú y địa phương, nhưng chỉ đến khi Báo Lao Động vào cuộc điều tra, chất vấn cơ quan chức năng thì mới “lòi” ra sai phạm nghiêm trọng nói trên.
Trước mắt tạm đình chỉ nhập khẩu để điều tra
Trước thông tin lợn nhập khẩu trốn cách ly, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã đề nghị Cục Hải quan Quảng Trị vào cuộc xác minh, xử lý vi phạm.
Tiếp đó, Cục Hải quan Quảng Trị đã đề nghị Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo căn cứ vào thông tin báo đăng, phối hợp với Chi cục Thú y vùng I, Chi cục Thú y vùng II, Chi cục Thú y vùng III để xác minh vụ việc và đã xác định có 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Tân Triều T&P; Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hiệp Hoàng Phát, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Đại Phong; Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng; Công ty TNHH Đầu tư và XNK Vinh Phú) vi phạm về hành vi không đưa động vật nhập khẩu về nơi cách ly kiểm dịch, do Cục Thú y ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tiếp đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo đã tiến hành các hoạt động xác minh, yêu cầu các doanh nghiệp đến làm việc, tuy nhiên do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn quốc, nên việc xác minh chưa hoàn tất. Hiện, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lao Bảo đã tạm dừng đưa hàng về bảo quản (dừng việc nhập khẩu lợn) đối với 4 doanh nghiệp nói trên để điều tra.
“Sau khi xác minh đầy đủ thông tin, ít nhất 4 doanh nghiệp nói trên bị tạm dừng bảo quản trong vòng 6 tháng. Hiện chúng tôi đang xúc tiến việc kiểm tra, xác minh, căn cứ kết quả, xét thấy có dấu hiệu hình sự thì chuyển cơ quan điều tra” – lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị, cho hay.
Trước đó, suốt nhiều ngày đêm bám theo các đoàn xe chở lợn nhập khẩu từ biên giới Việt – Lào về nội địa, nhóm phóng viên Báo Lao Động đã phát hiện nhiều dối trá, khi lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch đã được đưa thẳng vào lò mổ. Trong lúc đó, cơ quan chức năng cứ một mực khẳng định đã làm đúng quy trình, quy định. Trước sự việc nghiêm trọng nói trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các đơn vị liên quan vào cuộc tìm hiểu.