Thủy hỏa, lũ lụt như “giặc”. Thế nhưng nhận thức của cộng đồng về điều này còn hạn chế, bệnh chủ quan trong điều hành của cơ quan được giao trọng trách vẫn hiển hiện. Còn chủ quan – thiệt hại còn lớn.
Khí hậu đang biến đổi hết sức phức tạp. Những cơn mưa lớn cũng kéo dài bất thường hơn, đi cùng với nó là lũ lụt, sạt lở, kéo theo đó là vô vàn hậu quả từ các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói, đó là sự giận dữ của mẹ thiên nhiên trước hành vi coi thường của con người với môi trường tự nhiên.
Tận diệt thiên nhiên để phục vụ lòng tham vô đáy của con người rồi cũng có lúc con người phải trả tất cả về với tự nhiên. Rừng Việt Nam bị tàn phá nhanh chóng, những biệt phủ dát gỗ quý cứ thi thoảng lại được lên mặt báo. Những đại gia gỗ, những địa chủ đất rừng thời hiện đại ngày càng nhiều lên…
Con người đã làm được những gì để phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, hay chỉ mải mê đem sự mù quáng, tham lam để đối xử với tự nhiên để rồi cơn thịnh nộ mỗi ngày một hung tàn như đòn thù kháng cự. Nước ta chẳng năm nào không có bão lũ, sạt lở đất, có cảm giác như thiên tai mỗi ngày một dữ tợn hơn vì sự tiếp sức của “nhân tai”.
Chúng ta lo xây dựng, phát triển kinh tế, mỗi năm trôi qua, đều phải dồn mọi tâm trí với nỗi lo canh cánh, sợ chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch. Nhưng khi khả năng đó gần như cận kề trong tầm tay, thiên tai và nhân tai cùng kết hợp xuất hiện và lấy đi gần như mọi thứ mà chúng ta chắt chiu tích lũy được. Thiệt hại lớn đâu chỉ là sự mất mát phần của cải vật chất mà là tính mạng của con người – điều quý nhất không thể bù đắp được.
Đáng tiếc, vẫn có địa phương mỗi khi xảy ra hậu quả nặng nề đều đổ lỗi cho tự nhiên, rất ít khi nhận trách nhiệm chủ quan do con người, do quản lý. Đó chính là lý do mà cứ mỗi mùa mưa bão đến lại có nhiều người thiệt mạng, bị thương và mất tích, con số đó, không những không giảm mà có khi còn tăng cao hơn năm trước. Đơn giản là vì không thấy lỗi của mình thì chẳng bao giờ sửa sai được và đương nhiên hậu quả thiệt hại xảy ra rất khó tránh.
“Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” – họa phúc có nguyên nhân không chỉ ngày một ngày hai. Việc nhìn nhận những thảm họa thiên nhiên cần phải đặt trong một bối cảnh chung rộng lớn, thậm chí, cả ở tầm mức toàn cầu, khi hành vi của con người ở vùng đất này có thể mang lại hậu quả cho con người và các vùng đất khác ở rất xa.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, với những tác động đã nhìn thấy ngay, việc “thuận thiên” để tồn tại, để phát triển là yêu cầu sống còn, chứ không phải là việc “nên làm” nữa. Điều này cần phải được đưa vào chiến lược, quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương. Nếu cứ kiểu phát triển “nóng”, vô tình hay hữu ý đánh đổi môi trường lấy những lợi ích kinh tế, khó mà thực hiện yêu cầu phát triển bền vững.
Muốn nâng cao tính bền vững cho bất kỳ khu vực nào trên cả nước, cần đến tầm nhìn vượt cao hơn những lợi ích kinh tế ngắn hạn.