Hàng chục nghìn người buộc phải sơ tán khẩn cấp sau khi các trận động đất lớn gây ra cảnh báo sóng thần trên toàn Thái Bình Dương.
Hôm 5/3, hàng chục nghìn cư dân ven biển ở New Zealand, New Caledonia và Vanuatu đã phải sơ tán khẩn cấp lên khu vực cao hơn khi một loạt các trận động đất mạnh, gây ra cảnh báo sóng thần trên toàn Thái Bình Dương.
Tại Noumea – thành phố thủ phủ của lãnh thổ Nouvelle-Calédonie thuộc Pháp, các nhà chức trách ra lệnh sơ tán trong bối cảnh lo ngại rằng những con sóng cao tới 3m đang hướng vào khu vực này.
“Mọi người phải rời khỏi các bãi biển và ngừng tất cả các hoạt động dưới nước, và dừng việc đón con tại các trường học để tránh tình trạng tắc đường”, người phát ngôn của dịch vụ khẩn cấp Alexandre Rosignol phát cảnh cáo.
Tại New Zealand, các cộng đồng dọc trên Đảo Bắc (North Island) của nước này đã được cảnh báo phải sơ tán khi tiếng còi cảnh báo sóng thần vang lên sau trận động đất 8,1 độ richter, kéo theo các chấn động trước đó ở cùng khu vực với cường độ 7,4 và 7,2.
“Không được ở nhà. Những người gần bờ biển… phải di chuyển ngay lập tức đến vùng đất cao gần nhất, ra khỏi tất cả các khu vực có nguy cơ sóng thần, hoặc di chuyển càng xa đất liền càng tốt”, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia (NEMA) cho hay.
Công nhân, sinh viên và cư dân ở các khu vực như Northland và Bay of Plenty đã nhận được hỗ trợ từ các quan chức dân phòng. Trong khi đó, một cảnh báo khẩn cấp đã được ban bố cho tất cả các khu vực ven biển xung quanh Auckland – thành phố 1,7 triệu dân, nơi mọi người được yêu cầu tránh xa khu vực bờ biển. Không có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong do các trận động đất.
Trong khi đó, Australia đã ban hành cảnh báo sóng thần trên biển đối với Đảo Norfolk – lãnh thổ nhỏ của Australia với khoảng 1.750 cư dân, cho biết không có mối đe dọa nào đối với đất liền.
Bill Fry, nhà địa chấn học tại cơ quan khoa học địa chất GNS, cho biết: “Hoạt động sóng thần sẽ tiếp tục trong vài giờ và mối đe dọa từ sóng thần sẽ kết thúc khi cảnh báo này bị hủy bỏ”.
New Zealand cảnh báo sóng thần sau trận động đất có độ lớn 7,3. Theo Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương (PTWC), sóng thần có thể xảy ra trong vòng 300 km tính từ tâm chấn của trận động đất. Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, ban đầu trận động đất có độ lớn 7,3 sau đó điều chỉnh xuống còn 6,9 ở độ sâu 10 km.
Theo PTWC, Vanuatu và New Caledonia có khả năng hứng chịu những đợt sóng lớn nhất, đo được tới 3m. “Dựa trên tất cả các dữ liệu có sẵn, sóng thần nguy hiểm được dự báo có thể ập vào một số bờ biển”, cơ quan này cho hay.
Trước đó, PTWC cũng cảnh báo, những con sóng nhỏ ban đầu đã được ghi nhận ở Tonga, và những một số con sóng nhỏ cũng có thể xuất hiện ở ngoài khơi của Nhật Bản, Nga, Mexico và Nam Mỹ.