Mới đây, vệ tinh Amazonia-1 do Brazil tự phát triển đã được đưa vào quỹ đạo để theo dõi nạn phá rừng và hoạt động nông nghiệp ở Amazon – một công việc vốn trước nay dựa nhiều vào vệ tinh của Mỹ và các nước khác.
Adenilson Silva, kỹ sư tại Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia của Brazil (INPE), người dẫn đầu nhiệm vụ Amazonia-1 và đã giám sát vụ phóng tại trung tâm vũ trụ của Ấn Độ trên đảo Sriharikota, nói vệ tinh này đánh dấu “một cột mốc quan trọng đối với Brazil”.
Theo Silva, quá trình phát triển vệ tinh, bắt đầu vào năm 2008, có sự tham gia của hơn chục công ty Brazil và khoản đầu tư 360 triệu reais (60 triệu USD) – chỉ bằng 1/6 chi phí nhập khẩu thiết bị và lắp ráp. Amazonia-1 là vệ tinh đầu tiên trong số ba vệ tinh giám sát Amazon mà INPE muốn phát triển.
Lẽ ra Amazonia-1 đã được phóng vào năm 2018 nhưng bị hoãn lại vì thiếu kinh phí và thiếu các bộ phận chính từ các công ty cung cấp. Tuy đã phóng thành công nhưng việc vận hành vệ tinh vẫn còn nhiều thách thức, khi các nhà khoa học Brazil ngày càng bị cắt giảm kinh phí nghiên cứu.
Amazonia-1 là một khối kim loại dài 2,5 mét, nặng 640 kg, được trang bị 6 km dây cáp và ba camera góc rộng có khả năng phát hiện các khu vực rừng bị mất. Hiện tại, việc giám sát Amazon của Brazil dựa vào vệ tinh Landsat của Mỹ, cung cấp dữ liệu hình ảnh độ nét cao 16 ngày một lần. Ngoài ra Brazil cũng được cảnh báo về nạn phá rừng nhờ hai vệ tinh do Brazil và Trung Quốc phát triển, CBERS-4 và CBERS-4A, cung cấp hình ảnh rừng Amazon 3 đến 4 ngày một lần.
Máy ảnh của Amazonia-1 không sắc nét hơn các máy ảnh trên các vệ tinh hiện có. Nhưng có thêm vệ tinh này sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các lần chụp ảnh theo dõi và Brazil sẽ có ảnh chụp cập nhật mới mỗi ngày hoặc hai ngày một lần. Việc cải thiện tần suất làm tăng cơ hội có những bức ảnh rõ nét mà không có mây che phủ – điều kiện thời tiết thường xảy ra trong rừng nhiệt đới – và đưa ra cảnh báo nhanh hơn cho các nhà chức trách về nạn phá rừng.
Cláudio Almeida, người điều phối chương trình Amazonian của INPE và giám sát các báo cáo chính thức của INPE về phá rừng nhận định việc cải thiện tần suất một ngày sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Với việc giám sát gần hơn với thời gian thực, “các nhóm thực thi có thể đến đúng nơi vào đúng thời điểm”, Almeida nói.
Almeida cho biết thêm, sử dụng vệ tinh và các thiết bị tự chế mang lại cho Brazil quyền tự chủ về công nghệ. Brazil đã từng gặp “sự cố mất dữ liệu” vào năm 2012 khi Landsat gặp sự cố, để lại các khoảng trống lớn trong các báo cáo về nạn phá rừng. INPE đã phải mua dữ liệu vệ tinh đắt tiền mà chất lượng hình ảnh thì kém hơn từ chính phủ Anh.
Những thách thức trong vận hành vệ tinh
Chuyên gia mô hình môi trường Britaldo Soares Filho tại Đại học Liên bang Minas Gerais, cho biết Amazonia-1 và hai vệ tinh mà INPE mong muốn phát triển trong tương lai sẽ là những công cụ nghiên cứu mạnh mẽ. Nhóm của Filho dựa vào dữ liệu vệ tinh để lập mô hình sự lan truyền của đám cháy và hậu quả môi trường của cháy rừng ở Amazon đối với các quần xã sinh vật lân cận.
Nhưng Filho lo ngại chính phủ Brazil sẽ không hỗ trợ nhiều và điều này làm hạn chế khả năng của INPE trong việc xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ mà Amazonia-1 gửi về. “Đầu tư vào công nghệ mà không đầu tư vào nghiên cứu và con người là không đủ. Ngân sách và nhân viên của INPE đã bị cắt nhiều lần kể từ năm 2019, khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố dữ liệu đáng báo động của cơ quan này về nạn phá rừng là sai, và cách chức giám đốc INPE Ricardo Galvão,” Filho nói.
Ngân sách đề xuất năm 2021 của chính phủ Brazil bao gồm việc cắt giảm 15% ngân sách INPE đã khiến 100 học bổng bị hủy bỏ, nguồn học bổng này đóng góp gần một phần tư số nhân viên kỹ thuật cho INPE. Vụ phóng Amazonia-1 lần này cũng suýt bị hoãn sau khi 7 nhà nghiên cứu trong dự án bị mất tài trợ. (Cuối cùng, họ đã được Cơ quan Vũ trụ Brazil tài trợ cho đến tháng 3 năm nay để INPE có thể thực hiện vụ phóng).
Galvão thì cho biết, ngay cả với vệ tinh mới, khả năng viễn thám của Brazil vẫn chưa đạt đến mức lý tưởng. Quốc gia này sẽ cần “ít nhất 30 vệ tinh khác như Amazonia-1 để đáp ứng nhu cầu [theo dõi rừng],” Galvão nói. Và Galvão cũng ngờ rằng chính phủ hiện tại sẽ không hành động dựa trên những bằng chứng mới về nạn phá rừng. “Tôi chắc chắn rằng các nhà khoa học của INPE sẽ cung cấp dữ liệu mà không phải chịu bất kỳ áp lực nào, nhưng tôi ngờ rằng chính phủ hiện tại sẽ không coi trọng dữ liệu này”.