Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, cùng với công tác quy hoạch, huyện Nho Quan (Ninh Bình) xác định phải ưu tiên đầu tư bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh.
Du lịch vẫn ở mức “tiềm năng”
Nằm ở đầu mối giao thông quan trọng nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, huyện Nho Quan (Ninh Bình) có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với nhiều danh thắng và di tích lịch sử, văn hóa truyền thống nổi tiếng như: động Vân Trình, hồ Yên Quang, hồ Đồng Chương, nước khoáng nóng Cúc Phương, văn hóa đồng bào Mường, các sản vật địa phương…
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định, phát triển du lịch tại huyện Nho Quan với các chức năng chính là: du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch vui chơi giải trí, thể thao mạo hiểm, leo núi, chơi golf; du lịch cộng đồng, nghiên cứu động vật hoang dã…
Với những thế mạnh nội tại và trên cơ sở quy hoạch, những năm qua huyện Nho Quan đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn lựa chọn để đầu tư phát triển du lịch như: Dự án xây dựng khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương; Dự án resort Vedanra; Dự án công viên động vật hoang dã quốc gia và nhiều dự án về trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa.
Song, đến nay du lịch Nho Quan vẫn chỉ dừng ở mức “tiềm năng”; lợi thế của địa phương; hiệu quả kinh doanh du lịch tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn thấp so với các địa phương trong tỉnh; lượng khách tham quan, nhất là khách du lịch nội địa có chiều hướng tăng nhưng không đáng kể.
Theo thống kê, giai đoạn 2015-2020, khách du lịch đến Cúc Phương cao nhất năm 2018 với 120 nghìn lượt khách, năm 2019 lượng khách giảm, chỉ còn 100 nghìn khách. Năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 lượng khách nội địa và quốc tế đều giảm, tổng lượt khách là 59 nghìn, đạt 55% so với năm 2019. Xét tổng thể chung, lượng du khách đến Cúc Phương so với tổng thể khách đến Ninh Bình chỉ chiếm tỷ lệ 1,4% năm 2019 và 2% năm 2020.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo được sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn có uy tín. Các sản phẩm du lịch lại chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa tạo được thương hiệu…, nên sức hấp dẫn khách du lịch còn thấp; chưa xây dựng được các tuyến, điểm du lịch hoàn chỉnh mang tính độc đáo, đặc thù riêng…
Mặt khác, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả còn thấp; nội dung chưa phong phú, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa gắn kết với các khu, điểm và sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Nho Quan. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ, thụ động.
Cần thay đổi mang tính đột phá
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sở Du lịch Ninh Bình đánh giá, trước hết huyện Nho Quan cần tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các phân khu hoặc khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt khu dịch vụ lưu trú, điểm tham quan. Đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn đầu tư phát triển du lịch từ quy hoạch, bố trí đất cho đến thủ tục hành chính, lao động.
Cùng với công tác quy hoạch, huyện phải đặc biệt quan tâm ưu tiên đầu tư bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh Vườn quốc gia Cúc Phương, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương, các hang động tiền sử, xây dựng Bảo tàng Cúc Phương trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Bên cạnh đó, bảo tồn, nâng cấp các di tích động Người Xưa, các cây cổ thụ; xây dựng du lịch cộng đồng gắn với văn hóa đồng bào Mường; bảo tồn, nâng tầm quy mô các lễ hội văn hóa của đồng bào Mường…
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, huyện Nho Quan phải tận dụng lợi thế những tài nguyên sẵn có để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch văn hóa gắn với chương trình nông thôn mới, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, khuyến khích mô hình trang trại kết hợp tham quan du lịch, trải nghiệm gắn với giáo dục môi trường.
Ngoài ra, tích cực quảng bá các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Chủ động phối hợp với ngành Du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cán bộ, doanh nghiệp, người dân làm du lịch trên địa bàn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về phát triển du lịch…