Vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, được đánh giá là có đa dạng sinh học cao so với nhiều vùng ven bờ khác ở Việt Nam, đã giảm tới 90% lượng san hô khỏe mạnh, phong phú so với bốn thập niên trước.
Đây là kết quả nghiên cứu được công bố vào năm ngoái của nhóm các nhà khoa học tại Viện Sinh thái học và Tiến hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Viện Hải dương học tại Nha Trang công bố trên tạp chí Marine and Freshwater Research1.
Nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của san hô ở đây do cả những tác động của con người và cả biến đổi khí hậu: tình trạng ấm lên của đại dương – xu hướng tăng nhiệt độ bề mặt biển ở khu vực bờ biển của Việt Nam vào khoảng 0,448oC mỗi thập niên qua, áp lực do con người gây ra cho đại dương cũng ngày càng tăng như cải tạo đất ven biển, chất thải đô thị chưa được xử lý, từ các hoạt động kinh tế như ngành nuôi trồng thủy sản đang phát triển, đánh bắt hải sản quá mức trên diện rộng trong vịnh, du lịch và những xáo trộn tự nhiên khác, chẳng hạn như bùng phát sao biển gai…
Kết quả mới này cho thấy lượng san hô đã suy giảm rất nhiều so với “Đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang” do Viện Hải dương học thực hiện trong giai đoạn 2012-2015, khi đó các rạn san hô không còn duy trì ở tình trạng tốt, độ phủ san hô sống trung bình còn đạt 20,1%2. Trong đó, có nhiều rạn san hô bị suy thoái nặng nề kể từ năm 2002 trở về trước rất khó có khả năng phục hồi tự nhiên.
Các rạn san hô được ví như rừng ở dưới đáy biển, với nhiều tầng và có mức độ che phủ lớn, là nơi trú ngụ, sinh nở của các loài sinh vật đáy và các loài cá. Vì thế, lượng san hô suy giảm nghiêm trọng này sẽ dẫn tới hệ quả là nguồn lợi động vật đáy và cá sẽ suy giảm theo.