Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, các địa phương đã nỗ lực thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới, đo đạc, cấp Giấy chứng nhận, phê duyệt phương án sử dụng đất các nông, lâm trường. Tuy vậy, công tác này triển khai còn chậm.
34/45 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc
Theo Báo cáo kết quả của Bộ TN&MT về thực hiện Nghị quyết số 112 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát, sắp xếp nông, lâm trường là 1.868.513 ha.
Tính đến cuối năm 2020, mới chỉ có 34/45 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành rà soát ranh giới, cắm mốc, trong đó đã rà soát được 32.193 km/54.877 km (đạt 77,5 % khối lượng nhu cầu); cắm được 54.756 mốc/62.247 mốc (đạt 88 % khối lượng nhu cầu).
Về đo đạc lập bản đồ địa chính, đã có 38/45 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành, trong đó, đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.335.637 ha/1.404.870 ha (đạt 95,1% khối lượng khối lượng nhu cầu);
Về cấp Giấy chứng nhận, trước khi thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13, hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận. Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết, có 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất là: Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Sóc Trăng; đã cấp đổi Giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính chính quy được 1.666 hồ sơ/9.862 hồ sơ.
Đặc biệt, về phê duyệt phương án sử dụng đất, mới chỉ có 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất theo số liệu sau rà soát gồm: Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Sóc Trăng.
Đối với nhiệm vụ rà soát đất đai theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 cho các tổ chức không thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện nội dung Đề án tại địa phương đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, do còn khó khăn về việc bố trí ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương nên nhiệm vụ này đang chậm được triển khai thực hiện.
Đơn cử, tại tỉnh Thái Nguyên, theo Sở TN&MT, hiện nay, diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến giữ lại gần 60.000 ha. Trong đó, gần 53.400 ha do Ban Quản lý rừng và Vườn Quốc gia quản lý (nhưng mới chỉ có hơn 38.000 ha đã được cấp Giấy chứng nhận); các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng hơn 5.800 ha song mới có hơn 5.000 ha đã được cấp Giấy chứng nhận.
Năm 2017, tỉnh bắt đầu triển khai Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Trong đó, xác định 3 đối tượng của Đề án, gồm: Ban Quản lý rừng, Vườn Quốc gia; các công ty lâm nghiệp; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Đến nay, UBND tỉnh đã thu hồi, nhận bàn giao hơn 12.200 ha và dự kiến tiếp tục thu hồi hơn 7.000 ha từ các nông, lâm trường tại các địa phương, gồm: Đại Từ, TX. Phổ Yên, Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai.
Mặc dù hàng năm, tỉnh vẫn triển khai phương án sử dụng đất, rà soát, cấp quyền sử dụng đất cho công ty nông, lâm nghiệp đang kinh doanh, sản xuất ổn định. Tuy nhiên tiến độ cấp Giấy chứng nhận còn chậm, nhiều diện tích chưa xác định được ranh giới tại thực địa nên vẫn còn tình khiếu nại về quyền sử dụng đất đai giữa nông, lâm trường với người dân.
Hoàn thành dứt điểm việc giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận
Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, trong năm 2021, Tổng cục sẽ chỉ đạo các địa phương hoàn thành dứt điểm việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại; Triển khai có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác sử dụng.
Được biết, một trong những nội dung trọng tâm trong công tác thanh, kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai trong năm 2021 là thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.