Từng làm “lâm tặc”, tàn phá nhiều cánh rừng tự nhiên, hoàn lương, anh Mười đang làm giàu từ kinh tế rừng và quyết tâm bảo vệ quần thể lim cổ thụ hiếm có.
Một ngày đầu xuân Tân Sửu, trong chuyển công tác tại huyện miền núi Như Xuân của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi vô tình gặp “lâm tặc” hoàn lương Lục Văn Mười. Anh Mười sinh năm 1985 trong gia đình dân tộc Thái có đông anh chị em. Là con thứ 10 nên anh được bố mẹ đặt tên là Mười.
Trong bữa cơm đậm chất dân tộc Thái đãi khách, sau khi ngà men rượu, anh Mười đã trải lòng về quãng đời làm “lâm tặc” và việc hoàn lương của mình.
Dốc cạn chén rượu, anh Mười kể: “Bố mẹ mình sinh được mười anh chị em, mình là con út – thứ 10 nên đặt tên là Mười. Gia đình đông con nên cuộc sống quanh năm nghèo túng. Từ năm 2010 trở về trước, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc lên rừng chặt gỗ. Khi lên 17 tuổi, ngoài thời gian tới trường, mình cùng với bố và các anh lên rừng chặt gỗ lấy tiền mua gạo”.
Nghề “lâm tặc” vận vào Lục Văn Mười từ đó. Cái nghèo, cái đói khiến gã thanh niên ấu trĩ tính kế lên rừng chặt gỗ để kiếm sống. Tốt nghiệp THPT, Lục Văn Mười thi đậu vào trường Đại học Vinh. Mỗi khi nghỉ hè về quê, Mười vẫn thường xuyên lên rừng đốn gỗ.
Tốt nghiệp đại học ra trường về quê, nhưng không có được công việc ổn định, lấy vợ sinh con, Mười vẫn không thể từ bỏ được nghề “lâm tặc” và từng nhiều lần bị xử lý hành chính về hành vi phá rừng.
“Có thời điểm tôi đã đứng ra mua nhiều ha rừng tự nhiên được Nhà nước chuyển đổi, khai thác gỗ vận chuyển ra Hà Nội bán. Lợi nhuận từ việc khai thác rừng lớn nhưng tiền làm ra dễ, nhất là từ rừng đều không giữ được” – Anh Mười nhớ lại.
Năm năm gần đây, ngoài diện tích rừng sản xuất được Nhà nước giao, anh Mười đã vay mượn người thân, bạn bè để mua lại hàng chục ha đất rừng sản xuất của người dân địa phương để trồng keo tràm.
Nhận thấy sống ở rừng thì phải dựa vào rừng, nhưng không nhất thiết phải phá rừng, sau nhiều đêm suy nghĩ, được sự động viên của người vợ “đầu ấp tay gối”, Lục Văn Mười đã quyết định bỏ nghề lâm tặc.
Hiện tại trong tay anh Mười đã có hơn 10 ha đất rừng sản xuất đã được phủ xanh bằng những đồi keo bạt ngàn. Đây là một gia tài lớn, là niềm mơ ước của nhiều người dân địa phương.
Trong số diện tích đất rừng sản xuất do anh Mười quản lý có 2 quần thể lim cổ thụ, với khoảng 35 cây. Chúng phân bố trên những quả đồi thuộc thôn Đồng Phống, xã Thanh Xuân. Đường kính mỗi cây lim từ 30 – 90 cm, với tuổi thọ từ 15 đến gần 100 năm. Nhiều người “nhăm nhe” hỏi mua những cây lim này để đốn lấy gỗ, nhưng anh Mười đều khước từ.
Vượt qua nhiều quả đồi hiểm trở, cuối cùng chúng tôi đã theo chân anh Mười tiếp cận được quần thể lim hàng chục năm tuổi, hiểm có tại đất Như Xuân. Phần diện tích này rộng khoảng hơn 2ha, được anh Mười mua lại của người dân địa phương. Mười say sưa phát những cây bụi, dây leo bám vào cây lim để chúng tôi được chiêm ngưỡng rõ hơn những thân cây quý giá này.
“Tôi muốn bảo vệ, giữ những cây lim lại cho con cháu sau này. Nếu không phải ở trên đất của tôi thì không biết chúng có tồn tại tới ngày hôm nay hay không” – Anh Mười chia sẻ.
Khi được hỏi vì sao lại bỏ nghề “lâm tặc” để hoàn lương và hiện anh đã thật sự hoàn lương chưa, anh Mười điềm tĩnh nói: “Giờ động vào rừng là phạm pháp, mà trên địa phương rừng có trữ lượng gỗ quý còn rất ít. Sống dựa vào rừng không có nghĩa là phải phá rừng, trồng keo vừa phủ xanh tái tạo rừng, vừa cho thu nhập”.
Ông Trịnh Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết, ông Lục Văn Mười đã từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về hành vi phá rừng. Phần diện tích có cây lim được nhà nước giao cho người khác, ông Mười nhận chuyển nhượng lại để trồng keo.
Ông Ngô Văn Tuấn – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, cây gỗ mọc tự nhiên trong rừng sản xuất, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm quản lý, bảo vệ chứ không có quyền định đoạt (chặt hạ, mua bán, vận chuyển).