Mới đây cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) đã công bố báo cáo đánh giá về 48 bản kế hoạch giảm phát thải quốc gia, được các nước đệ trình hồi cuối năm 2020.
Các bản kế hoạch này đến từ 75 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó các nước trong EU27 được gộp chung thành một khối.
Kết quả đánh giá không mấy sáng sủa – tác động tổng thể của những nỗ lực này chỉ dừng ở mức tới năm 2030 giảm được 1% phát thải so với hồi năm 2010.
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu cảnh báo rằng: để đạt được mục tiêu hạn chế nhiệt độ nóng lên trong phạm vi 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, cần giảm phát thải thêm khoảng 45% so với các mục tiêu giảm phát thải đang đặt ra hiện nay; và để đạt mục tiêu 2 độ C, cần giảm thêm 25%.
“Báo cáo này cho thấy các mục tiêu khí hậu hiện tại còn rất xa vời so với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris,” bà Patricia Espinosa, Thư ký điều hành về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, cho biết. “Tôi kêu gọi tất cả các thành viên – ngay cả những quốc gia đã đệ trình NDC [Báo cáo Đóng góp do Quốc gia tự quyết] – suy ngẫm về kết quả đánh giá này và đặt ra mục tiêu cao hơn nữa. Chúng ta cần những phương án căn cơ hơn và cách mạng hơn so với hiện tại và có kế hoạch cụ thể để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt.”
Các phân tích từ Tổ chức Climate Action Tracker chỉ ra rằng trong số các nền kinh tế lớn đã đệ trình các mục tiêu mới, chỉ có Anh, các nước trong khối EU, Argentina, Chile, Na Uy, Kenya và Ukraine thay đổi mục tiêu. Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, New Zealand, Thụy Sĩ, Úc đều trình lại các mục tiêu kế hoạch mà họ đã không hoàn thành được từ năm 2015. Kế hoạch khí hậu của Brazil không có bất kỳ mục tiêu nào hướng tới cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 hay ngăn chặn tỷ lệ phá rừng đang ngày càng gia tăng. Mỹ và Trung Quốc – hai nước đóng góp tổng cộng 30% lượng khí nhà kính của toàn cầu, tương đương khối EU27 – được kỳ vọng sẽ có những các kế hoạch cứng rắn hơn.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói: “Nếu trước đây nhiệm vụ này là một nhiệm vụ khẩn cấp thì bây giờ nó đang là nhiệm vụ tối quan trọng. Đây là cơ hội mà chúng ta không được phép để lỡ mất: Khi tái xây dựng xã hội [hậu Covid-19], không thể quay trở về tình trạng bình thường trước đây. Các NDC cần phản ánh thực tế này và các nước có lượng phát thải lớn, đặc biệt các quốc gia G20 cần phải là đầu tàu”.
Trong khi giảm được 0,1% lượng khí thải CO2 từ việc sản xuất năng lượng vào năm 2019, các nước G20 lại chưa giải quyết được vấn đề khí hậu. Cuối năm ngoái, một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Khí hậu tiết lộ, khối các nước này phát thải khoảng 75% lượng khí thải toàn cầu – và đã trích khoảng 30% quỹ phòng chống Covid để đầu tư vào các lĩnh vực xanh, nhưng các nước như Nga, Mexico và Ả Rập Xê-út đã đứng ngoài và không có chính sách hỗ trợ năng lượng sạch.