Tính đến giữa tháng 2, thế giới có 191 triệu lượt người tiêm chủng ngừa Covid-19, trong đó 10 quốc gia giàu có đã chiếm 3/4. Và nếu các quốc gia giàu có không nhanh chóng hành động để bảo đảm việc phân bổ vaccine một cách công bằng hơn, thì đó là một cuộc chạy đua vaccine mà tất cả đều có thể thua, chuyên gia y tế toàn cầu của Đại học Duke, Mỹ cảnh báo.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Nature ngày 24-2, Giáo sư, Tiến sĩ Gavin Yamey, Giám đốc Trung tâm Tác động chính sách trong y tế toàn cầu, Đại học Duke viết: “Nếu thế giới giàu có tiếp tục tích trữ vaccine, đại dịch sẽ kéo dài thêm bảy năm nữa”.
Khoảng 130 quốc gia với 2,5 tỷ người chưa được tiêm chủng Covid-19
Giáo sư Yamey kêu gọi các quốc gia giàu có quyên góp một phần vaccine mà họ đã mua cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 130 quốc gia với tổng dân số 2,5 tỷ người, chưa có một người nào được chủng ngừa Covid-19, ông lưu ý.
Trong một cuộc họp báo, Giáo sư Yamey nói: “Có một nguyên lý trong sức khỏe toàn cầu là dịch bệnh bùng phát ở bất cứ đâu cũng có thể dẫn đến bùng phát ở khắp mọi nơi. Và đó là lý do tại sao cộng đồng quốc tế vì lợi ích chung bắt đầu chia sẻ liều lượng vaccine để bảo đảm mở rộng nguồn cung cấp vaccine toàn cầu”.
Để tránh tích trữ vaccine, các tổ chức y tế toàn cầu khuyến khích các nước mua vaccine thông qua sáng kiến COVAX, một liên minh toàn cầu được thành lập để chia sẻ liều lượng vaccine với các nước nghèo hơn. Nhưng trong số gần 190 quốc gia đã tham gia COVAX, có khoảng ba chục quốc gia có thu nhập cao cũng đã đàm phán các thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất vaccine để bảo đảm liều lượng vaccine cho công dân của họ.
Thông qua các hợp đồng này, một số quốc gia chỉ chiếm 16% dân số thế giới đã sử dụng hơn một nửa số vaccine Covid-19 hiện có. Mặc dù COVAX dự kiến sẽ mua khoảng 2 tỷ liều vào cuối năm 2021, nhưng con số đó chỉ đủ để tiêm chủng cho khoảng 20% người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
“Điều tôi thấy băn khoăn là tôi có khả năng được tiêm phòng trước cả nhân viên y tế hoặc người có nguy cơ cao ở một quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình. Và điều đó không đúng, điều đó không công bằng”, Giáo sư Yamey nói.
Toàn cầu thiệt hại khoảng 9 nghìn tỷ USD nếu nước nghèo không được tiêm chủng
Nhưng vượt ra ngoài sự công bằng, còn có những rủi ro về kinh tế và sức khỏe cộng đồng khi các quốc gia giàu có vét sạch vaccine. Giáo sư Yamey cho biết, việc không tuân thủ COVAX sẽ khiến hàng tỷ người ở các quốc gia nghèo hơn không được bảo vệ trong một năm hoặc lâu hơn. Điều đó cho phép virus SASR-CoV-2 tiếp tục lây lan và làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới có thể lây lan nhanh hoặc gây chết người.
Theo Giáo sư Yamey, tình hình như vậy có thể gây ra những tác động kinh tế nghiêm trọng đối với cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp. Ông trích dẫn một nghiên cứu ước tính việc để các quốc gia nghèo hơn không được bảo vệ có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 9 nghìn tỷ USD, một nửa thiệt hại trong đó là từ các quốc gia có thu nhập cao.
Một số quốc gia đã mua số lượng lớn vaccine như Vương quốc Anh, đã cam kết tặng thêm liều vaccine cho COVAX sau khi họ hoàn thành việc tiêm chủng cho công dân của mình. Nhưng Giáo sư Yamey cho rằng họ cần phải hành động nhanh hơn. Ông đang kêu gọi một nhóm gồm 10 quốc gia sẽ quyên góp tới 10% liều vaccine ngay cả khi họ đang tiếp tục tiêm chủng cho người dân của mình.
Giáo sư Yamey nói: “Chúng ta cần phải dừng việc chỉ nghĩ đến quốc gia của mình. Chúng ta cần bắt đầu nghĩ về bản thân mình như một cộng đồng toàn cầu được kết nối với nhau. Là các quốc gia, chúng ta giống như những con tàu trên đại dương, và chúng ta sẽ cùng nhau thăng trầm”.
Qua COVAX, các nước giàu giúp nước nghèo tiếp cận vaccine bằng nhiều cách
Giáo sư Yamey cùng với Giáo sư David McAdams, đồng nghiệp của Đại học Duke, đã sử dụng lý thuyết trò chơi để chứng minh cách các quốc gia có thể tránh biến việc mua vaccine thành một trò chơi có tổng bằng không.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, các quốc gia giàu có có thể sử dụng sức mua của họ để tạo thêm các thỏa thuận với các nhà sản xuất vaccine nhằm tăng sản lượng tổng thể. Thí dụ, khi mua vaccine cho công dân của mình, các quốc gia có thể yêu cầu các nhà sản xuất vaccine chia sẻ công nghệ với các nhà sản xuất ở các nơi khác trên thế giới.
Giáo sư Yamey cho biết, ông được khuyến khích bởi những hành động gần đây như Mỹ cam kết hỗ trợ 4 tỷ USD để giúp COVAX mua thêm liều vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ông cũng cho biết, Na Uy đã thông báo sẽ tặng vaccine cho COVAX song song với chiến dịch tiêm chủng của chính mình.
Ông nói: “Đặc biệt khi bạn nhìn vào các đại dịch trong quá khứ, chúng ta chưa bao giờ có tổ chức nào giống như liên minh COVAX. Tôi vẫn tranh luận rằng COVAX đang trên đường làm nên những điều thực sự ngoạn mục vào cuối năm nay. Mọi thứ đang thay đổi theo những hướng rất tích cực, nhưng vẫn chưa đủ nhanh”.
Hoàng Thảo (Theo Medicalxpress)