Đông Nam Á nên đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã nhằm ngăn đại dịch

Steven Galster, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ chống buôn bán động vật hoang dã và buôn người Freeland cảnh báo việc tiếp diễn buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á sẽ trở thành một “quả bom hẹn giờ” tiềm ẩn nguy cơ bùng phát một loại virus chết người mới.

Sáu đại dịch hoặc các đợt bùng phát dịch lây truyền từ động vật trên toàn cầu như HIV, Ebola, Cúm gia cầm, SARS, MERS và giờ đây là Covid-19 đều gắn liền với việc phá hủy động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.

Theo Galster, có hai động lực chính dẫn đến những đợt bùng phát như vậy. Thứ nhất, việc chuyển đổi môi trường sống hoang dã, thường để phục vụ cho hoạt động nông nghiệp đã đẩy động vật hoang dã vào các trang trại và khu cộng đồng. Thứ hai, tình trạng buôn bán động vật hoang dã gia tăng buộc các loài động vật hoang dã phải rời môi trường sống của chúng để đến khu vực đô thị. “Cả hai yếu tố này đều tạo áp lực lên động vật và đặt chúng vào tình thế giao tiếp gần gũi theo cách bất thường với con người. Từ đó, chúng có thể phát tán virus, tuy không gây hại cho động vật nhưng có thể gây bệnh hoặc làm chết người”, Galster nhấn mạnh.

Theo cuộc khảo sát thị trường của Freeland, các loài động vật như chồn nâu, lửng, chồn hôi, cầy mangut, cầy hương và chồn mactet luôn có sẵn tại chợ Chatuchak (Thái Lan). Những loài này vốn rất nhạy cảm với các loại virus xuất phát từ vật chủ là dơi như virus dại, Ebola và corona.

Cự đà, rùa cạn từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới được bày bán ở chợ Chatuchak, Bangkok. Ảnh: Freeland

Tiến sĩ Abi Tamim Vanak, nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu về sinh thái và môi trường ATREE cảnh báo mức độ mất vệ sinh tại các khu chợ như Chatuchak là nguyên nhân đáng lo ngại.“Các chợ động vật có xu hướng giữ động vật hoang dã từ nhiều vùng khác nhau ở cùng một nơi mà không xem xét cẩn trọng rằng những động vật này có thể là vật chủ của nhiều loại virus. Khi chúng bị nhốt/xếp chồng lên nhau, các loại virus khác nhau lưu thông trong không khí, qua nước bọt và chất dịch cơ thể khác của chúng có thể được truyền từ động vật này sang động vật khác”. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện virus biến chủng và khả năng lây nhiễm sang các động vật khác, thậm chí cả con người.

Theo Galster, cách duy nhất để ngăn chặn những rủi ro như vậy là dừng hoàn toàn hoạt động buôn bán động vật cho đến khi có quy định chặt chẽ hơn. Freeland kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á đóng cửa thị trường động vật hoang dã vì vấn đề bảo tồn và sức khỏe cộng đồng.

Được biết, tổ chức này đã vận động trong 19 năm qua để đóng cửa chợ động vật hoang dã ở Chatuchak, nơi được coi là chợ động vật lớn nhất khu vực. Freeland cũng kêu gọi 10 nước ASEAN thông qua một cuộc họp chính thức để làm điều tương tự với bất kỳ thị trường nào đang hoạt động.

Ngọc Hiền (The Independent)

Nguồn: