Được biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang tập trung nguồn lực tìm hiểu, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và tổng kết thực tiễn trong nước để hoàn thiện các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động lấn biển.
Dự kiến, nội dung chính của Dự thảo nghị định gồm 6 chương, 40 điều quy định về nguyên tắc, yêu cầu đối với hoạt động lấn biển; việc xem xét, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động lấn biển; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án có hoạt động lấn biển; nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động lấn biển.
Theo báo cáo của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Đồng thời, đăng dự thảo Hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường và tổ chức các Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Hồ sơ và cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan tới hoạt động lấn biển. Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định đối với hoạt động lấn biển.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến điều chỉnh, bổ sung cấu trúc của Đề cương Nghị định, nội dung cụ thể của các quy định, làm rõ một số nội dung liên quan đến các tác động chính sách,… nhằm bảo đảm sự đồng bộ của các quy định trong hệ thống pháp luật và đề nghị cần phải tiếp tục tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề, nội dung liên quan để hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định trình Chính phủ xem xét.
Nói về điều này, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt Nghị định quy định về lấn biển là một yêu cầu cấp bách để giải quyết vấn đề thực tiễn đã đặt ra từ rất lâu trong quản lý, kiểm soát các hoạt động lấn biển phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.”
Bên cạnh xây dựng nghị định, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần khẳng định vai trò hơn nữa đối với thẩm quyền kiểm tra, xem xét trách nhiệm xử lý, xử phạt hành chính theo quy định pháp luật, tổ chức chuyên gia rà soát, đánh giá, xác định lại các vấn đề pháp lý và kỹ thuật trong việc xác định đường triều kiệt cũng như tham gia đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ chủ trì về kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với các hoạt động lấn biển trái quy định.