Mùa khô 2020-2021, xâm nhập mặn gay gắt nhất có thể xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ ngày 9-15.2, trùng với dịp Tết Nguyên đán, có thể dẫn đến thiếu nước ngọt.
Theo Ủy ban liên chính phủ sông Mê Kông (MRC), tình trạng nước sông Mê Kông xuống thấp và ít phù sa, một phần là do Trung Quốc khống chế lượng nước chảy khỏi đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam.
Câu chuyện về những chiếc đập trên thượng nguồn sông Mê Kông luôn là mối quan tâm đối với các nước thuộc khu vực chịu ảnh hưởng, trong đó Việt Nam là nước mất lợi thế nhất vì cuối nguồn.
70 triệu người thuộc các nước hạ nguồn sông Mê Kông chịu ảnh hưởng trực tiếp khi con sông này bị chặn nước dẫn đến thiếu nước. Đó là giao thông đường thủy, là sinh kế của từng hộ gia đình, là an ninh lương thực quốc gia. Cho nên, thế giới luôn quan tâm đến việc ứng xử của các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông.
Tại hội thảo tháng 9.2020, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng: “Một trong những thách thức đặc biệt cấp bách là sự thao túng của Trung Quốc đối với dòng chảy trên sông Mê Kông để phục vụ lợi ích của riêng họ gây thiệt hại lớn cho những nước cuối nguồn”.
Đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng thiếu nước ở sông Mê Kông, vì chỉ cần Trung Quốc giữ nước ở các hồ chứa đập thủy điện, là hạ nguồn lãnh đủ. Đối với diễn biến năm nay, đương nhiên cũng như những lần trước, sông Mê Kông chỉ khôi phục tình trạng bình thường nếu Trung Quốc xả hồ chứa nước của các con đập ở thượng nguồn.
Còn nhớ cũng vào tháng hai năm trước, sông Mê Kông khô nước, ĐBSCL của Việt Nam bị hạn hán, các quốc gia hạ nguồn cũng tương tự, nên cùng lên tiếng đề nghị Trung Quốc xả nước từ các đập để khắc phục hạn hán sông Mê Kông.
Đương nhiên phía Trung Quốc luôn cho rằng hạn hán là tình trạng chung, kể cả Trung Quốc, và biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra hạn hán. Cho dù nguyên nhân gì thì những con đập ở thượng nguồn vẫn là nguyên nhân chính. Sự can thiệp của con người vào tự nhiên, dẫn đến sông Mê Kông thiếu nước.
Chưa biết năm nay Trung Quốc có ứng xử như từng cam kết là xả nước các con đập để cứu sông Mê Kông khi xảy ra khô hạn, và kể cả Trung Quốc có xả nước, thì lượng nước đó có tới được ĐBSCL hay không lại là chuyện khác.
Biết vậy để Việt Nam chủ động ứng phó với thực tế, không thể ngồi chờ lòng hào hiệp của ai khác. Đây là lúc chúng ta cần đến trí tuệ của các nhà khoa học nhất.
Và sông Mê Kông thiếu nước không phải chuyện mới, không phải sự cố bất ngờ mà đã xảy ra từ lâu. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc ứng phó. Vì vậy cần một kế sách chủ động lâu dài toàn diện cho vấn đề vô cùng trọng yếu này.