Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, từ tháng 3 đến tháng 8, nguồn nước trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ thiếu hụt từ 20 đến 30%, mức thiếu hụt cao hơn 30% xảy ra trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô.
Từ tháng 6 đến tháng 8, trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức báo động 1, báo động 2. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc. Trong khi đó, từ tháng 5 đến tháng 8, lưu lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 20 đến 50%, một số sông thấp hơn 60%. Do vậy, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Nguyên từ tháng 3, tháng 4, sau đó mở rộng ra các địa phương khác ở Trung Bộ.
★ Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, trong những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên theo triều, mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,45 m, tại Châu Đốc là 1,6 m. Đến ngày 1-3, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 1,35 m; tại Châu Đốc ở mức 1,5 m. Vì vậy, xu thế xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long tăng dần và đạt mức cao nhất từ nay đến 28-2.
★ Hiện các tỉnh Bắc Trung Bộ đã gieo cấy lúa đông xuân 2020-2021 được khoảng 346 nghìn héc-ta. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng gieo cấy được khoảng 400 nghìn héc-ta, khu vực trung du miền núi phía bắc gieo cấy được khoảng 160 nghìn héc-ta. Hiện nay, thời tiết đang thuận lợi cho sản xuất cho nên các tỉnh Bắc Trung Bộ đang tập trung chăm sóc lúa; khu vực đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc đang tập trung làm đất, gieo cấy lúa và phấn đấu cơ bản kết thúc trong tháng 2.
★ Khoảng 16 giờ ngày 24-2, người dân phát hiện ngọn lửa bốc lên tại khu vực rừng trồng thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) bèn báo cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng đã huy động người và phương tiện đến dập tắt đám cháy. Thống kê ban đầu, vụ cháy đã làm thiệt hại khoảng 50 ha rừng.
★ Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có gần 46.000 ha rừng, trong đó hơn 33.500 ha rừng phòng hộ. Để hạn chế cháy rừng, Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu – Nghĩa Lộ đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, nâng cao nhận thức cho nhân dân.
★ Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 514.900 ha rừng. Lực lượng kiểm lâm tỉnh đang tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống cháy rừng; xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy để tổ chức lực lượng ứng trực nhằm xử lý kịp thời khi xảy ra cháy.
★ Hiện đang là giữa mùa khô, nắng nóng kéo dài dễ gây cháy rừng nên Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đốp (Bình Phước) đang triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ hơn 8.400 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đồng thời, giám sát người và phương tiện ra, vào rừng.
★ Tại Đồng Nai, hiện có gần 170.000 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 30%. Hiện nay, một số nơi do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp 4, có những ngày cảnh báo ở cấp độ 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm). Lực lượng kiểm lâm đã và đang cử lực lượng ứng trực nhằm phát hiện, xử lý kịp thời.
★ Tỉnh Kiên Giang có hơn 60.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 46 nghìn ha. Để chủ động phòng, chống cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đang phối hợp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức trực suốt 24 giờ trong ngày tại đơn vị và các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng.
★ Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia cho biết, ở phía bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, hôm nay 26-2, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực đông bắc Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ ngày 26-2, các tỉnh vùng núi phía bắc có mưa, mưa rào; ngày 27-2 ở các tỉnh phía đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 đến 18oC, vùng núi có nơi dưới 14oC.
★ Ngày 23-2, tàu cá TG 91428TS khi đang khai thác hải sản thì một ngư dân bị rơi xuống biển mất tích. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam duy trì liên lạc với tàu, phát thông báo cho các tàu cá hoạt động gần đó tìm kiếm. Cùng ngày, tàu PY4061TS với ba lao động bị phá nước chìm. Rất may, ba lao động này đã được một tàu cá khác cứu đưa vào bờ an toàn.
★ Chiều 25-2, xảy ra vụ sạt lở bờ sông Trà Nóc trên đường Lê Thị Hồng Gấm (thuộc phường Trà An, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) với chiều dài hơn 60 m, chiều sâu vào bờ 6 m, làm 12 căn nhà ven sông bị hư hại.
Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng quận Bình Thủy hỗ trợ người dân di dời tài sản đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để khắc phục hậu quả và lên phương án phòng, chống sạt lở đoạn sông này.
Tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nhân dân
Từ ngày 21 đến 24-2, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã thu mua, mang đi tiêu thụ hơn 160 tấn nông sản giúp nhân dân trên địa bàn. Trong đó, Hội đã kết nối, tổ chức hơn 30 điểm bán hàng tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận; phát miễn phí 10 tấn rau, củ cho người dân ở TP Hải Dương. ★ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cho biết, những ngày qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh vừa tham gia phòng, chống dịch, vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ước tính các cấp Hội đã tiêu thụ khoảng 200 tấn rau củ, quả và 150.000 quả trứng gia cầm cho nông dân trên địa bàn. ★ Từ ngày 26-2 đến 5-3, 28 chương trình đưa nông sản, thực phẩm sạch của bà con nông dân TP Hải Phòng dành tặng miễn phí hàng chục nghìn đoàn viên và người lao động tại các doanh nghiệp sẽ được các cấp Công đoàn thành phố triển khai. Cụ thể, 25.500 suất sản phẩm 0 đồng, mỗi suất trị giá khoảng 30.000 đồng, gồm: trứng, rau, củ, quả, hành, tỏi… được dành tặng đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong tỉnh. |