Hai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động sẽ giúp giảm thủ tục hành chính, hướng tới Chính phủ số…
Chiều 25.2, Bộ Công an tổ chức Lễ khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân.
Tới dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và triển khai tích cực trong lực lượng công an nhân dân, đề án về 2 hệ thống trên trở thành bước đột phá trong quản lý dân cư tại Việt Nam, khẳng định được vai trò quan trọng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực.
Quá trình thực hiện đề án, Bộ Công an phối hợp Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ, ban, ngành cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đẩy nhanh tiến độ xây dựng băn bản quy phạm pháp luật, thử nghiệm, kết nối các dịch vụ công từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong vòng 5 tháng từ tháng 9.2020 đến tháng 2.2021, VNPT đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng.
Tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về hạ tầng và công nghệ, kỹ thuật để đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành đã sẵn sàng.
Đến nay, công an cả nước đã hoàn thành 100% việc bố trí 5 công an chính quy ở mỗi xã; hoàn thành việc kiện toàn, tổ chức bộ máy thành lập Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm 5 phòng và trung tâm.
Cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên.
Về đề án cấp căn cước công dân gắn chíp, từ đầu năm 2021, cơ quan chức năng đã thu thập gần 600.000 hồ sơ cấp căn cước công dân và tiến hành sản xuất, in thẻ căn cước công dân có gắn chip cho người dân trên toàn quốc.
Bộ Công an đánh giá khi 2 hệ thống đi vào hoạt động sẽ là đầu mối cung cấp thông tin về công dân, hỗ trợ người dân, tổ chức đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính.
“Dự tính tổng chi phí người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được hàng năm khi tích hợp, thực hiện 8 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia lên tới gần 5.000 tỉ mỗi năm”, Bộ Công an đánh giá.
Đặc biệt, khi 2 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân chính thức hoạt động sẽ góp phần đổi mới việc quản lý con người, từ sổ hộ khẩu giấy sang quản lý bằng điện tử thông qua mã số định danh cá nhân; đồng thời, hỗ trợ đắc lực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.