Đây là nhiệm vụ đặt ra đối với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) trong công tác quản lý một số lưu vực sông (LVS) liên tỉnh như LVS Cầu, LVS Nhuệ – Đáy, LVS Đồng Nai.
Chiều ngày 23/1, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT về đề xuất xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường (BVMT) các lưu vực sông giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhìn nhận lại việc quản lý môi trường các LVS trong hơn 10 năm qua, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, việc thực hiện các Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu, LVS Nhuệ – Đáy, LVS Đồng Nai đã đạt được một số kết quả tích cực, nhất là trong việc kiểm soát và kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm, trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, tạo áp lực ngày càng lớn lên môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những bất cập trong ô nhiễm môi trường các LVS vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là tình trạng nước thải sinh hoạt, nước thải cụm công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý, vẫn xả thẳng ra môi trường.
Cuối năm 2020, các Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu, LVS Nhuệ – Đáy, LVS Đồng Nai đã kết thúc. Nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, theo quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2022, đã đưa ra công cụ Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước (KHQLCLN), với các nội dung chính được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật BVMT 2020.
Luật BVMT 2020 cũng quy định Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước đối với các sông liên tỉnh có vai trò quan trọng với phát triển kinh tế – xã hội (trình Thủ tướng Chính phủ ban hành).
Theo yêu cầu đó, đại diện Tổng cục Môi trường, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức cho biết, trong giai đoạn 2021 – 2023, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung xây dựng các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc lập Kế hoạch quản lý chất lượng nước và triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 lưu vực sông: Cầu, Nhuệ – Đáy, Đồng Nai. Hoạt động này được thực hiện thông qua nhiệm vụ “Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với quản lý chất lượng nước mặt; đánh giá sức chịu tải của môi trường nước mặt và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với một số lưu vực sông liên tỉnh”.
Cụ thể, Tổng cục sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với các sông liên tỉnh thuộc 03 lưu vực sông (phương pháp mô hình và phương pháp gián tiếp); tổng hợp kết quả tính toán, xây dựng các bản đồ phân vùng chất lượng nước và khả năng chịu tải. Từ đó, sẽ có dự thảo Quyết định phê duyệt kèm theo danh mục các đoạn sông không còn khả năng chịu tải (trình Bộ ban hành). Đơn vị cũng sẽ xây dựng và hoàn thiện dự thảo các kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các sông liên tỉnh thuộc 3 lưu vực sông.
Cùng với đó, để quản lý môi trường LVS hiệu quả, có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới, Cục BVMT miền Bắc đề nghị, cần kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý 3 LVS này. Trong đó, phải tính đến nguồn lực về con người và tài chính để giải quyết những vấn đề nóng đang đặt ra, như đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, làng nghề…
Mặt khác, theo ý kiến của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, việc quản lý LVS cần gắn với việc xây dựng các quy hoạch mà Tổng cục Môi trường hiện đang được giao phụ trách như quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
Ghi nhận các kiến nghị này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo, để tạo cơ sở cho việc bảo vệ môi trường các LVS trong giai đoạn mới, Tổng cục Môi trường phải hoàn thiện Báo cáo chung về việc thực hiện 3 Đề án BVMT 3 LVS, đặc biệt trong giai đoạn 2016 – 2020.
Trong báo cáo, Tổng cục cần nêu rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất giải pháp dựa trên quan điểm quản lý mới, tư duy quản lý mới được đặt ra ngay trong Luật BVMT năm 2020.
Để đảm bảo công tác quản lý môi trường LVS trong giai đoạn 2021 – 2025 theo nhiệm vụ được quy định trong Luật BVMT năm 2020, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Môi trường xây dựng hồ sơ, báo cáo trình lãnh đạo Bộ để đề xuất Thủ tướng xây dựng kế hoạch tổng thể BVMT nước các LVS.