Muốn bảo tồn hổ, phải hiểu người dùng

Cuối năm 2019, TRAFFIC công bố tài liệu tóm tắt tình hình tiêu thụ các sản phẩm từ hổ tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM dựa trên kết quả khảo sát người tiêu thụ và thị trường trực tuyến được thực hiện từ năm 2017. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các chiến dịch chống tiêu thụ sản phẩm từ hổ tại Việt Nam.

Khảo sát định lượng 1.120 người có độ tuổi từ 18 trở lên, nghiên cứu nhận thấy tình trạng sử dụng các sản phẩm từ hổ chiếm xấp xỉ 11% tổng số mẫu khảo sát ở cả hai khu đô thị. Trong đó, ở khu vực Hà Nội, người dùng thường mua các sản phẩm từ hổ để tự sử dụng trong khi ở TPHCM, các sản phẩm từ hổ thường được mua để làm quà biếu. Cụ thể, 59% người tiêu dùng sản phẩm từ hổ thường mua sản phẩm cho chính họ. Hai trong số những người tiêu dùng tham gia khảo sát mua cho bản thân và gia đình (chiếm 9%) và 50% người tiêu dùng nói rằng họ mua sản phẩm cho gia đình. Giám sát thị trường trực tuyến trong vòng 1 tháng, từ ngày 27/03 đến 28/04/2018, nghiên cứu xác định được tổng cộng 187 quảng cáo trực tuyến cung cấp 1.095 mặt hàng (bao gồm móng vuốt, răng nanh và da), 8g cao hổ cốt và thịt hổ với số lượng không xác định.

Về đối tượng sử dụng

Những người lớn tuổi hơn cũng như những người chỉ đạt trình độ trung học cơ sở và có thu nhập hàng tháng trên 10-32 triệu đồng có nhiều khả năng sử dụng các sản phẩm từ hổ. Những người không biết ai đã và sẽ sử dụng các sản phẩm từ hổ thì ít có khả năng tự tiêu dùng các sản phẩm bất hợp pháp này.

Khi áp dụng mẫu đầy đủ trong phương pháp hỏi trực tiếp, những người dùng trên 45 tuổi, có thu nhập trung bình – thấp và có trình độ học vấn cao nhất ở cấp trung học cơ sở có khả năng tiêu thụ sản phẩm từ hổ cao hơn. Theo đó, kết quả từ mẫu đầy đủ thách thức các giả thiết rằng sản phẩm từ hổ chỉ dành cho những người giàu có, đồng thời khẳng định người lớn tuổi là đối tượng có khả năng sử dụng sản phẩm từ hổ cao nhất. Tuy nhiên, các tác giả cũng thận trọng cho rằng kết quả trên chỉ dựa trên phương pháp hỏi trực tiếp nên những người có thu nhập cao hơn có thể đã nói dối về thu nhập thực sự của họ hoặc nghiên cứu chưa tiếp cận được nhóm đối tượng có thu nhập cao hơn.

Nhìn chung, có ít đặc điểm để phân biệt người tiêu dùng sản phẩm hổ với nhóm người tiêu dùng khác. Giống như những người không tiêu dùng sản phẩm hổ, họ có thiên hướng sử dụng thuốc Tây y hơn là y học cổ truyền, chủ yếu là người Kinh với mức thu nhập từ 0-10 triệu đồng/tháng. Sự khác biệt cơ bản giữa những người tiêu dùng sản phẩm từ hổ và những người tham gia khác trong nghiên cứu này là họ có xu hướng già hơn những đối tượng còn lại trong mẫu nghiên cứu vì các sản phẩm từ hổ chủ yếu được sử dụng cho mục đích y học. Điều này khá hợp lý khi người lớn tuổi có nhiều khả năng bị bệnh hơn. Cũng có bằng chứng cho thấy người lớn tuổi có nhiều tiềm năng chuyển sang sử dụng y học cổ truyền (cả thảo dược và động vật hoang dã) so với những người trẻ hơn.

Yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng sản phẩm từ hổ

Những người tham gia trong toàn bộ mẫu nghiên cứu và những người được hỏi ngẫu nhiên cho biết gia đình thân thiết của họ là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc họ sử dụng các sản phẩm từ hổ. Yếu tố tác động tiếp theo là những người bạn thân của họ. Trong mẫu đầy đủ, những người tham gia cho biết yếu tố ảnh hưởng nhiều thứ ba là đại gia đình của họ. Đặc biệt, kết quả của mẫu đầy đủ cho thấy việc tiêu dùng của đồng nghiệp có thể ảnh hưởng mạnh mẽ lên một cá nhân. Nếu người tiêu dùng không biết những người khác đã từng sử dụng các sản phẩm từ hổ, họ ít có khả năng tiêu thụ các sản phẩm đó.

Xét về các khía cạnh liên quan đến sản phẩm từ hổ, người được khảo sát cho rằng chất lượng là mối quan tâm lớn nhất khi họ quyết định mua sản phẩm, tiếp theo là tính chính hãng của sản phẩm. Cũng cần lưu ý rằng nếu không xét nghiệm ADN toàn diện thì không thể biết được lượng tiêu thụ các sản phẩm bị làm giả từ xương sư tử hoặc các loài khác, ví dụ sản phẩm cao dán xương hổ nhưng không nêu rõ thành phần và mức độ rõ ràng từ xương hổ. Trước đó, thông qua một loạt các vụ tịch thu sản phẩm từ hổ, Việt Nam đã phát hiện tình trạng làm giả các sản phẩm từ hổ bằng cách pha trộn các bộ phận giả như xương sư tử.

Giá cả là yếu tố ảnh hưởng lớn thứ ba. Mặc dù không hỏi trực tiếp về giá các bộ phận hổ nhưng các tác giả suy đoán các sản phẩm từ hổ không có giá quá cao bởi đối tượng tiêu dùng các sản phẩm từ hổ trong mẫu nghiên cứu thường có thu nhập từ thấp đến trung bình. Giá các sản phẩm bất hợp pháp như các bộ phận của hổ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm rủi ro liên quan đến việc kinh doanh sản phẩm và tính sẵn có của sản phẩm. Sự tồn tại của các trang trại nuôi hổ và mức độ thực thi pháp luật tương đối lỏng lẻo ở Việt Nam đã tạo điều kiện để nhiều người tiêu dùng ở khu vực thành thị có thể mua các sản phẩm từ hổ. Tuy nhiên, hiện tượng lưu hành hàng giả vẫn còn tồn tại như chính mối quan tâm của người trả lời nghiên cứu về chất lượng và tính hợp pháp của sản phẩm. Ngoài ra, theo những người tham gia khảo sát, yếu tố ít ảnh hưởng nhất đến việc tiêu thụ sản phẩm từ hổ là địa điểm mua sản phẩm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Unplash

Các sản phẩm từ hổ được sử dụng

Những người thừa nhận đã sử dụng các sản phẩm từ hổ có nhiều khả năng tiêu thụ cao hổ nhất. Dưới 10% người tiêu dùng thừa nhận họ sử dụng móng, răng, thịt và da hổ. Hai người phụ nữ từ Hà Nội nói rằng họ đã sử dụng mật hổ và “bánh trà hổ”. Cho đến nay, các tác giả cũng phát hiện rằng cao dán xương hổ là sản phẩm từ hổ được tiêu thụ phổ biến nhất ở các đô thị Việt Nam.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêu thụ các sản phẩm từ hổ có thể không phải là một hành vi nhạy cảm ở Việt Nam. Hiện chưa có những lý giải rõ ràng cho điều này, có thể là người dân sống ở thành thị không biết rằng việc mua bán hổ là bất hợp pháp hoặc có lẽ việc tiêu thụ các sản phẩm từ hổ được chấp nhận tương đối ở khu vực thành thị.

Phức tạp hoạt động gây nuôi

Các trang trại nuôi hổ vẫn tồn tại dai dẳng trên khắp Đông Nam Á, Trung Quốc và điều này có thể làm tăng nguồn cung sẵn có về các sản phẩm từ hổ trên thị trường cũng như mức độ sử dụng của người tiêu dùng. Tại Việt Nam, số lượng trang trại nuôi hổ dường như đang tăng lên với tổng 199 con hổ trong 17 trang trại vào năm 2019, gấp đôi con số được báo cáo vào năm 2012, chưa kể trang trại nuôi hổ ở Nghệ An – cơ sở vốn được coi là tâm điểm của hoạt động nuôi gấu lấy mật chứ không chỉ riêng hổ. Việc nuôi gấu và nuôi hổ có những điểm tương đồng quan trọng trong cách thức và bối cảnh chung của khu vực, đặc biệt là khi Trung Quốc hợp pháp hóa cả hai loại hình gây nuôi này. Nhìn chung, các ví dụ từ việc nuôi gấu cho thấy tình trạng nuôi hổ nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát triển trong khu vực.

Hiểu người dùng để bảo tồn hổ

Kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng sử dụng sản phẩm từ hổ tràn lan tại Việt Nam và trong khu vực. Khả năng thực thi các biện pháp bảo vệ hổ trong tự nhiên của các vườn quốc gia và các tổ chức bảo tồn đang chịu sức ép lớn từ nhu cầu sử dụng các bộ phận của hổ. Số phận của những cá thể hổ tại Khu bảo tồn sinh học quốc gia Nam Et Phou Louey (NEPL) đã minh chứng mạnh mẽ rằng cần phải triển khai các sáng kiến giảm cầu ở các nước tiêu thụ cao như Trung Quốc và Việt Nam. Các sáng kiến giảm cầu hiệu quả đòi hỏi sự hiểu biết về mức độ hành vi tiêu thụ, động cơ đằng sau hành vi đó và những cá nhân nào có khả năng thực hiện hành vi. Nếu không có sự hiểu biết đầy đủ về người tiêu dùng, các sáng kiến giảm cầu sẽ không đạt hiệu quả cao. Các tổ chức bảo tồn nên tập trung triển khai các chiến dịch thay đổi hành vi căn cứ theo kết quả của nghiên cứu này, đồng thời tập trung vào các chiến dịch cụ thể theo từng khu vực và khai thác sâu thực trạng sử dụng cao hổ cốt để chữa bệnh. Bên cạnh đó, căn cứ vào những động cơ tiêu thụ sản phẩm từ hổ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các chiến dịch thay đổi hành vi ở Hà Nội có thể khuyến khích việc tham vấn với bác sĩ Tây y về thực trạng mua các sản phẩm làm thuốc mà chưa được kiểm chứng tác dụng trong khi các chiến dịch thay đổi hành vi ở TP.HCM có thể ngăn chặn việc tặng quà có nguồn gốc từ các loài nguy cấp. Bằng cách giảm cầu, các quần thể hổ bị tổn thương sẽ có cơ hội ổn định và phát triển cao hơn.

Các quần thể hổ hoang dã trên toàn cầu đã giảm khoảng 50% trong hai mươi năm qua. Hai cá thể hổ từng được phát hiện tại Lào vào năm 2013 đã tuyệt chủng do áp lực săn trộm ráo riết. Hổ vẫn bị tận diệt trên khắp khu vực Đông Nam Á, mang đến tương lai bất định cho loài hổ ở các khu vực khác của Nam Á như Ấn Độ và Bangladesh. Thực trạng đáng báo động của quần thể hổ ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đòi hỏi những hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với loài hổ. Tất cả các bằng chứng khoa học và cách thức hợp tác hiệu quả đều cần thiết để giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp xung quanh vấn đề buôn bán trái phép động vật hoang dã, từ đó ngăn chặn sự tuyệt chủng của hổ.

Ngọc Hiền (Lược dịch từ Global Ecology and Conservation số 22/2020)

Nguồn: