Giữa lúc lãnh đạo, cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk) đang “vui xuân” thì lâm tặc đã bất ngờ đột nhập, tàn phá rừng khu vực Núi Voi Kéo (thuộc lâm phần của đơn vị nói trên).
Chuyên án đặc biệt
Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng Công an huyện Krông Bông thành lập tổ công tác đặc biệt với hơn 20 cán bộ, chiến sĩ chia thành nhiều nhóm tiến hành theo dõi, mật phục các đối tượng khai thác lâm sản trái phép tại khu vực Núi Voi Kéo (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông). Sau gần 3 ngày truy quyét, tổ công tác đã bắt quả tang 6 đối tượng đang dùng 5 con trâu kéo khoảng 7m3 gỗ pơ mu trái phép. Sau đó, Công an huyện Krông Bông đã tạm giữ thêm 3 đối tượng tình nghi.
Đại tá Nguyễn Quang Trung – Trưởng Công an huyện Krông Bông nhận định: “Đây là chuyên án đặc biệt do chúng tôi độc lập triển khai (từ hồi giữa năm 2020), không hề có sự phối hợp của đơn vị nào khác nhằm đảm bảo tính bất ngờ, bảo mật thông tin và tránh bứt dây động rừng. Các cán bộ, chiến sĩ công an phải bí mật nắm bắt theo dõi diễn biến hoạt động của lâm tặc để phục kích bất ngờ, bắt tại trận và kiểm đếm số gỗ lậu ngay tại hiện trường. Trước mắt chúng tôi đã bắt giữ 9 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng kể trên nhưng đã cho tại ngoại để thực hiện tiếp các biện pháp nghiệp vụ, củng cố hồ sơ và xem xét khởi tố vụ án”.
Được biết, việc mở chuyên án truy quyét là nhằm bảo vệ các cánh rừng ở địa bàn trước sự “dòm ngó” của lâm tặc. Công an phải leo núi hàng giờ đồng hồ lúc giữa đêm để bắt cho bằng được lâm tặc. Lâm tặc thường xuyên mạnh động và sẵng sàng đáp trả bằng “hàng nóng” để tháo chạy. Vì vậy, việc lực lượng Công an độc lập tác chiến, phân bố lực lượng trải đều trên “chiến tuyến” giúp xác suất thành công của chuyên án cao hơn.
Một điểm nóng phá rừng khác ở Đắk Lắk là Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Mới đây, cơ quan chức năng huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đã ra quyết định khởi tố vụ án phá rừng lớn ở tiểu khu 622 và 618 (thuộc địa phận khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô). Đối tượng cầm đầu trong vụ phá rừng quy mô này là người ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, bước đầu đã nhận tội. Đây không phải lần đầu lực lượng Công an huyện khởi tố các vụ phá rừng trên diện rộng… Nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Chủ rừng phải chịu trách nhiệm
Việc liên tục bắt lâm tặc, khởi tố các vụ phá rừng cho thấy quyết tâm của các cấp chính quyền trong việc giữ và ngăn không cho diện tích rừng ở Đắk Lắk tiếp tục suy giảm trên diện rộng. Tuy vậy, sự quyết liệt của lực lượng kiểm lâm, công an vẫn chưa đủ để ổn định thực trạng. Nhưng một khi rừng bị xâm hại thì chủ rừng – với vai trò “kép chính” phải là những người đầu tiên nhận trách nhiệm khi đã không hoàn thành nhiệm vụ mà Sở NNPTNT lẫn UBND tỉnh Đắk Lắk giao phó. Thực tế, nếu UBND tỉnh Đắk Lắk xử lý các chủ rừng một cách quyết liệt hơn nữa để làm gương cho những người khác thì có lẽ rừng ở địa phương này những năm qua đã không bị tàn phá nặng nề đến vậy,
Ông Lê Minh Tiến – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô – thẳng thắn cho biết: “Chúng tôi sẽ quyết không khoan nhượng cho những cán bộ, nhân viên đang công tác ở đơn vị nếu phát hiện họ có tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Còn nếu không phát hiện được có dấu hiệu tiếp tay và rừng vẫn tiếp tục chảy máu thì với vai trò là người lãnh đạo cao nhất ở BQL, cơ quan chức năng có thể xử lý tôi theo quy định của nhà nước vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Theo ông Lê Văn Long – Chủ tịch UBND huyện Krông Bông: “Các chủ rừng ở địa bàn đã phối hợp với nhau để quản lý bảo vệ nhưng thực tế không hiệu quả và có những thông tin bị lọt ra ngoài. Do vậy, vừa rồi UBND huyện thống nhất các đơn vị hoạt động độc lập giữa các đơn vị. Tôi đã từng tiếp nhận thông tin người dân báo, có 4 xe, có biển số chở gỗ lậu đang đi ra. Ngay sau đó, tôi điện thoại chỉ đạo cho 4 người thuộc 4 đơn vị có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ rừng… “.
“Quan điểm chỉ đạo của UBND huyện là chỉ giao nhiệm vụ cho một người, nếu lộ ra ngoài thì phải chịu trách nhiệm. Chưa thể khẳng định có sự tiếp tay cho lâm tặc của lực lượng bảo vệ rừng hay không. Nếu phát hiện ra trường hợp nào kê, tiếp tay thì xử lý ngay”, ông Long nói.
Ông Đỗ Xuân Dũng – Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk – bày tỏ, hạt kiểm lâm Krông Bông vừa được kiện toàn lãnh đạo mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp khá tốt với Công an để truy quyét lâm tặc. Tuy nhiên, hạt kiểm lâm huyện đang chỉ có khoảng 14 nhân sự nên để triển khai quyết liệt công tác chuyên môn vẫn đang gặp khó khăn.