Lưu vực hệ thống sông (LVHTS) Đồng Nai được xem là một trong những lưu vực lớn nhất cả nước gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có bảy tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Do có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội toàn vùng, hệ thống sông Đồng Nai được quan tâm bảo vệ, hạn chế suy thoái do ô nhiễm môi trường. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương, vẫn cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc giữ gìn nguồn nước và khai thác hiệu quả tiềm năng của sông.
Bài 1: Khai thác quá mức
Mặc dù có đóng góp rất lớn, có ý nghĩa sống còn đến phát triển kinh tế và đời sống xã hội toàn vùng, các dòng sông thuộc LVHTS Đồng Nai vẫn đối mặt với tình trạng ô nhiễm và suy thoái do chưa được bảo vệ đúng mức trước tình trạng xả thải công nghiệp và từ các khu dân cư đô thị. Bị khai thác quá mức nhưng lại chưa có biện pháp quản lý hiệu quả, một số dòng sông đang có nguy cơ bị “bức tử”…
Giá trị kinh tế to lớn
LVHTS Đồng Nai gồm bốn sông chính: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, Vàm Cỏ và lưu vực các sông ven biển. Với trữ lượng dồi dào, đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 17 triệu người; cấp nước cho sản xuất công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, phát triển thủy điện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải, du lịch sông nước cho vùng lãnh thổ rộng lớn hàng triệu héc-ta. Tổng lượng dòng chảy bề mặt của các sông khoảng 36 tỷ mét khối.
Phần thượng nguồn hệ thống sông Đồng Nai thuộc các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Phước. Trên địa phận tỉnh Bình Phước, sông Đồng Nai chảy qua huyện Bù Đăng và có sông Bé, một trong những nhánh sông lớn của hệ thống sông Đồng Nai. Giá trị kinh tế lớn nhất của sông Bé là thủy điện, thủy lợi và thủy sản. Khai thác tiềm năng này, công trình thủy điện Thác Mơ được xây dựng trên thượng nguồn sông Bé, thuộc địa phận thị xã Phước Long, huyện Bù Đăng và huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Nhiệm vụ chủ yếu của công trình thủy điện Thác Mơ là cung cấp điện cho hệ thống điện miền nam giai đoạn 1995-2000 và đã được hòa vào lưới điện quốc gia với điện lượng trung bình hằng năm khoảng 600 triệu kW giờ. Ngoài ra, chế độ điều tiết của Nhà máy thủy điện Thác Mơ còn tạo nguồn nước cho tưới tiêu và sinh hoạt đối với khu vực hạ du sông Bé – Phước Hòa – TP Hồ Chí Minh, với lưu lượng mùa khô 56 m3/giây. Năm 2000, trên dòng sông Bé đoạn chảy qua thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) tiếp tục xây dựng công trình thủy điện Cần Đơn. Ngày 1-1-2004, nhà máy thủy điện vận hành và hòa vào lưới điện quốc gia qua hai tổ máy với tổng công suất 77,6 MW, bình quân mỗi năm sản xuất 294,4 triệu kW giờ. Năm 2006, trên sông Bé tiếp tục có thêm Nhà máy thủy điện Srok Phu Miêng (địa phận huyện Phú Riềng) với công suất 51 MW.
Nhưng nói về giá trị thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai, đáng kể nhất là Nhà máy thủy điện Trị An tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Khánh thành từ năm 1991, đây vẫn là nhà máy thủy điện lớn nhất khu vực phía nam với khả năng cung ứng sản lượng điện trung bình hằng năm 1,76 tỷ kW giờ. Thủy điện Trị An đưa vào vận hành từ khi đất nước đổi mới kinh tế, có ý nghĩa rất quan trọng bảo đảm năng lượng cho 16 tỉnh, thành phố khu vực phía nam; cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt cho hơn 5 triệu dân; tưới cho hơn 20 nghìn héc-ta đất khu vực hạ lưu.
Với mục tiêu điều tiết nguồn nước tối ưu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cuối năm 2012, hồ thủy lợi Phước Hòa hoàn thành xây dựng trên dòng sông Bé ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là công trình thủy lợi có chức năng chuyển nước từ sông Bé sang sông Sài Gòn, từ hồ Phước Hòa sang hồ Dầu Tiếng. Một con kênh dài hơn 40,5 km, nối hai hồ làm nhiệm vụ chuyển nước, với lưu lượng khoảng 50 m3/giây, tạo nên công trình thủy lợi liên hoàn Dầu Tiếng – Phước Hòa. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt, hạn hán, xâm nhập mặn, lượng mưa giảm đã có lúc khiến lượng nước tích trong hồ Dầu Tiếng chỉ đạt 85% công suất thiết kế. Lúc này hồ Phước Hòa sẽ tiếp nước từ sông Bé cho hồ Dầu Tiếng.
Từ nguồn nước tưới tiêu dồi dào, trên lưu vực những con sông thuộc LVHTS Đồng Nai hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất nước như: cao-su, cà-phê, điều, tiêu… Đây là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, mỗi năm mang về hàng tỷ đô-la cho đất nước. Ngoài ra, LVHTS Đồng Nai còn có những vùng chuyên canh trồng cây ăn trái như quýt đường, sầu riêng, bưởi, măng cụt… Đây là những loại trái cây “nức tiếng” của các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như cả nước. Với lợi thế về địa hình, khí hậu, nguồn nước, các địa phương thuộc LVHTS Đồng Nai có tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái được người dân và doanh nghiệp khai thác.
Nguy cơ “bức tử” dòng sông
Khi các địa phương phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến hệ lụy là LVHTS Đồng Nai trở thành nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt và công nghiệp, một phần chất thải rắn đô thị, công nghiệp và chất thải nguy hại, chất thải bệnh viện, nước từ sản xuất nông nghiệp có hàm lượng phân bón và thuốc trừ sâu. Đặc biệt, nhiều nhà máy, trang trại chăn nuôi xây dựng ồ ạt trên thượng nguồn nhưng không kiểm soát chặt chẽ vấn đề xả thải gây nguy cơ ô nhiễm môi trường… đe dọa nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước của các dòng sông thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Nhiều chỉ tiêu môi trường đã vượt tiêu chuẩn cho phép ở mức độ đáng báo động, trong đó nghiêm trọng nhất là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh, kim loại nặng và dầu mỡ.
Kết quả quan trắc chất lượng nước do Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) trên LVHTS Đồng Nai từ năm 2008 đến 2020 cho thấy: Nước mặt LVHTS Đồng Nai đã bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do chất hữu cơ (đặc trưng bởi thông số BOD5, COD), chất dinh dưỡng (đặc trưng bởi thông số N-NH4+, N-NO2), chất rắn lơ lửng (TSS) và sắt. Tỷ lệ vượt chuẩn theo năm (dựa trên 9 thông số chính: PH, DO, BOD5 , COD, TSS, N-NH4+, N-NO3-, N-NO2 và Fe) của các sông thuộc LVHTS Đồng Nai từ năm 2008 đến 2020 dao động từ 7,4% đến 48,1%.
Tại Bình Dương, với quan điểm phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nhiều năm qua địa phương này đã “nói không” với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong quá trình sản xuất vẫn chủ quan lơ là, để xảy ra sự cố môi trường làm ảnh hưởng tới nguồn nước đổ vào các kênh thoát ra sông. Cụ thể, ngày 8-4-2020, sau một cơn mưa, suối Chợ thuộc phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) nổi bọt trắng xóa. Sau khi khảo sát và kiểm tra, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân chính là do khoảng 500 m3 nước mưa chảy tràn cuốn theo nguyên liệu sản xuất để ngoài trời với thành phần ô nhiễm chính là các hợp chất hữu cơ và các chất hoạt động bề mặt (hàm lượng COD là 9.125 mg/L, vượt quy chuẩn 121 lần; hàm lượng chất hoạt động bề mặt là 9 mg/L) của Chi nhánh Công ty cổ phần bột giặt LIX thoát ra cống thoát nước mưa và đổ vào kênh. Với sự cố môi trường này, ngày 1-6-2020, UBND tỉnh Bình Dương xử phạt rất nặng Chi nhánh Công ty cổ phần bột giặt LIX, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đại Đăng, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một về hai hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt hơn 1,16 tỷ đồng, buộc đơn vị này phải tiếp tục khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.
Một vấn nạn đối với sông Đồng Nai những năm qua là tình trạng khai thác cát trái phép gây hệ lụy là nhiều diện tích đất ven sông bị sạt lở nghiêm trọng, nguồn tài nguyên cát từ sông Đồng Nai, được cho là có chất lượng tốt nhất ở khu vực phía nam cũng bị đánh cắp và ô nhiễm môi trường từ quá trình khai thác. Sông Đồng Nai đoạn đi qua tỉnh Bình Phước là mỏ cát lớn cung cấp vật liệu xây dựng cho tỉnh Bình Phước và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Trong những năm qua, việc khai thác cát không được quản lý chặt chẽ dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên, đặc biệt là gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông. Trước đây, các thuyền thường hút cát ở giữa sông. Lâu dần, lòng sông hết cát bèn cắm vòi hút cát sát bờ, gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng dọc hai bên bờ sông. Đoạn sông chảy qua các xã Thống Nhất, Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) và thị trấn Phước Cát 1, xã Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) hầu hết đều xảy ra tình trạng sạt lở, nhiều đoạn kéo dài hàng trăm mét và ăn sâu vào bờ từ 15 đến 20 m.
Tương tự, đoạn sông Đồng Nai qua địa bàn thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) các đối tượng khai thác cát trái phép hoành hành hằng đêm. Chỉ tay về phía những gốc cây khô nằm giữa khu vực Vàm Cái Sứt, tiếp giáp giữa sông Đồng Nai và sông Buông, thuộc địa phận phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, ông Nguyễn Văn Hải (ngụ tại đây) cho biết: “Khu vực này trước đây là vườn cây sầu riêng của gia đình. Thế nhưng do nạn hút cát trái phép diễn ra trong thời gian dài đã khiến hàng nghìn mét vuông diện tích vườn trồng sầu riêng, măng cụt lâu năm bị sạt lở xuống sông. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, e rằng không bao lâu nữa toàn bộ vườn trái cây của gia đình sẽ sụp xuống sông hết”.
Chưa hết, tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai đoạn qua nhiều phường, xã của thành phố Biên Hòa như: Hiệp Hòa, Phước Tân, Long Bình Tân, Long Hưng… cũng diễn ra nhức nhối, dai dẳng, khiến người dân sống ven sông hết sức lo lắng do sạt lở nhà cửa, diện tích cây trồng. Để ngăn chặn, Công an tỉnh Đồng Nai từng mở chuyên đề riêng, lập chuyên án, huy động nhiều lực lượng, trong đó có cảnh sát cơ động để trấn áp. Thế nhưng trên thực tế, sau khi kết thúc các đợt cao điểm, nạn khai thác cát trái phép vẫn tái diễn. Trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thủ đoạn của các đối tượng bơm hút cát trái phép trên sông Đồng Nai là thường đi theo nhóm, sử dụng thuyền bơm hút và thuyền vận chuyển. Sau khi hút cát trái phép từ lòng sông lên thuyền bơm hút, cát được đưa sang thuyền vận chuyển để mang đi tiêu thụ. Trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện, vây bắt, các đối tượng nhanh chóng rút lù, cho thuyền chìm, rồi nhảy xuống sông tẩu thoát.
(Còn nữa)