Những dòng sông mang trong mình nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú nhưng ô nhiễm, đập và các loài xâm lấn đã tàn phá đối với nó.
Đa dạng sinh học của hơn 50% sông trên thế giới bị ảnh hưởng
Theo một nghiên cứu toàn diện nhất được công bố trên Tạp chí Science cho đến nay, những con sông có quần thể cá đã thoát khỏi thiệt hại nghiêm trọng từ hoạt động của con người chỉ chiếm 14% diện tích lưu vực sông trên thế giới.
Các nhà khoa học cho rằng, đa dạng sinh học của hơn 50% số sông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với những loài cá lớn như cá tầm bị thay thế bởi các loài xâm lấn như cá da trơn và cá chép châu Á. Ô nhiễm, đập nước, đánh bắt quá mức, tưới tiêu trang trại và nhiệt độ tăng do khủng hoảng khí hậu cũng là nguyên nhân gây tác động đến đa dạng sinh học này.
Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi dân số đông đúc và giàu có gây tác động của con người đến các con sông cao nhất, chẳng hạn như sông Thames ở Anh và Mississippi ở Mỹ.
Một nghiên cứu khác gần đây đã chỉ ra rằng, quần thể cá sông di cư trên toàn cầu đã giảm mạnh 76% kể từ năm 1970, trong đó, ở châu Âu giảm 93%. Các loài động vật lớn trên sông đã phải đối mặt với tình trạng tồi tệ nhất, trong đó, một số loài như cá da trơn khổng lồ ở sông Mekong đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Một phân tích năm 2019 cho thấy, do tác động của các con đập, chỉ còn một phần ba các con sông lớn trên thế giới vẫn chảy tự do.
Ông Sébastien Brosse thuộc Đại học Paul Sabatier ở Toulouse, Pháp, người dẫn đầu nghiên cứu mới cho biết, các con sông ở nhiều quốc gia giàu có không thể nhận biết được so với trước cuộc cách mạng công nghiệp. Hiện nay, cá tầm hơn 2 mét, hàng nghìn con cá hồi và nhiều loài cá khác gần như đã biến mất.
Ông Brosse cho biết: “Sông Thames là một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất, với số điểm ảnh hưởng tối đa 12/12 trong nghiên cứu của chúng tôi. Mặc dù, chất lượng nước ở các con sông ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã được cải thiện trong những thập kỷ gần đây, nhưng tôi không chắc tốc độ thay đổi này là đủ vì số lượng cá vẫn suy giảm nhanh”.
Nam Mỹ là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao nhất tại các con sông, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết chỉ có 6% những con sông còn nguyên vẹn ở khu vực này. Ông Brosse nói: “Chúng ta thực sự cần những quyết định chính trị mạnh mẽ để chứng minh đa dạng sinh học là một điều quan trọng đối với con người”.
Loài ngoại lai phát triển mạnh, cản trở ứng phó với tác động môi trường
Nghiên cứu đã kiểm tra gần 2.500 con sông ở tất cả các nơi trên thế giới, ngoại trừ các vùng cực và sa mạc. Các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào số lượng loài, nhưng nghiên cứu này đề cập đến vai trò sinh thái của các loài, cũng như mức độ liên quan chặt chẽ giữa các loài khác nhau. Các nhà nghiên cứu cũng đã tính đến những thay đổi đối với đa dạng sinh học trong 200 năm qua.
Một thay đổi lớn là số lượng các loài ngoại lai có mặt tại các con sông. Ở Tây Âu, có cá hồi Bắc Mỹ, cá đầu bò đen – một loài cá da trơn Bắc Mỹ, cá chép và cá vàng đến từ châu Á và cá hồi.
Trên khắp thế giới, cá chép, cá vược miệng lớn và cá rô phi là một trong những loài cá ngoại lai phổ biến nhất. Chúng thích nghi với vùng nước tĩnh và đã phát triển mạnh khi số lượng đập ngày càng nhiều. Điều này đang làm đồng nhất các quần thể cá ở các con sông, khiến chúng ít có khả năng đối phó với những thay đổi môi trường, chẳng hạn như sự nóng lên toàn cầu.
Những con sông ít bị ảnh hưởng nhất được tìm thấy ở những vùng hẻo lánh ít người, đặc biệt là ở Châu Phi và Australia, tuy vậy, khu hệ cá ở lưu vực hai sông Murray – Darling của quốc gia này đã bị phá hủy. Ông Grosse cho biết: “Những lưu vực ít bị ảnh hưởng nhất này không có đủ loài để duy trì sự đa dạng sinh học toàn cầu của cá. Chúng chỉ chiếm 22% hệ động vật toàn cầu, vì vậy chúng ta cũng cần bảo tồn sự đa dạng sinh học trong các lưu vực bị tác động mạnh bởi con người”.
Ông Zeb Hogan đến từ Đại học Nevada (Mỹ) cho biết: “Tôi ngạc nhiên khi được biết chỉ có 53% lưu vực sông đã trải qua những thay đổi rõ rệt. Hầu hết tất cả các con sông lớn nhất thế giới đều đã trải qua những thay đổi đáng kể. Những nơi từng có những con sông nhiều cá hồi và cá tầm hay những con cá chình và cá voi mới đẻ, bây giờ chỉ có cá vược, cá xanh, cá chép và cá da trơn”.
“Amazon, Congo và Mekong bị tác động nhiều hơn dự báo. Đây là phát hiện có thể không được đánh giá cao và có thể chỉ ra rằng các đập mới và các áp lực khác có thể đã có những tác động trên diện rộng. Các biện pháp được thực hiện để bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã trên cạn và dưới biển thường không bảo vệ được các con sông”, ông Hogan nhấn mạnh.