Ngày 20-2, các nhà khoa học Nga công bố đã phát hiện trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm H5N8 từ gà sang người đầu tiên trên thế giới.
Bà Anna Popova, cơ quan giám sát sức khỏe Rospotrebnadzor của Nga cho biết, các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Vektor đã phân lập vật liệu di truyền của chủng này từ bảy công nhân trang trại chăn nuôi gia cầm ở miền nam nước Nga, nơi một đợt bùng phát cúm gia cầm lần đầu tiên được báo cáo vào tháng 12-2020.
Theo bà Popova, những công nhân không bị bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào về sức khỏe. Các nhà khoa học cho rằng họ đã nhiễm chủng cúm gia cầm từ gia cầm trong trang trại.
Thông tin về trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm H5N8 sang người đầu tiên trên thế giới đã được gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Người phát ngôn của WHO cho biết, tổ chức này hiện đang thảo luận với các cơ quan chức năng Nga để thu thập thêm thông tin và đánh giá tác động đến sức khỏe cộng đồng của việc lây nhiễm.
Người phát ngôn cho biết thêm: “Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên H5N8 lây nhiễm sang người”.
Con người từng bị nhiễm các phân nhóm cúm gia cầm và cúm lợn như H5N1 và H7N9. Theo WHO, con người thường bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với động vật, môi trường bị ô nhiễm và lây lan lâu dài giữa người với người.
Năm 2010, các chủng virus cúm gia cầm H5N8 đã được phát hiện ở các loài chim hoang dã ở châu Á, sau đó lây lan sang các quần thể gà nhà trên khắp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các vụ bùng phát H5N8 ở các trang trại nuôi gia cầm cũng đã được báo cáo ở Anh, Scotland, xứ Wales…
Theo bà Popova, khám phá khoa học quan trọng này giúp các nhà khoa học có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu các đột biến có thể xảy ra, các thử nghiệm đối với con người và có nhiều thời gian cho nghiên cứu vaccine nếu cần trong tương lai.
Ngày 20-2, Viện Vektor, Siberia cho biết họ sẽ bắt đầu phát triển các thử nghiệm trên người và vaccine chống lại chủng cúm gia cầm H5N8.