Vợ chồng ông Vàng A Lứ, người dân tộc Mông ở xã Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) đã bảo vệ hàng trăm héc-ta rừng nguyên sinh trên đỉnh núi Pà Cò và biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái có sức hấp dẫn, thu hút du khách khắp nơi tìm đến.
Không những thế, vợ chồng ông Lứ còn tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và dân bản hiểu được những lợi ích từ rừng đưa lại cho cuộc sống con người để không chặt phá rừng bừa bãi; biết giữ gìn và bảo vệ rừng.
Việc làm của vợ chồng ông Vàng A Lứ có ý nghĩa rất lớn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đem đến nguồn thu chính đáng cho gia đình; nhất là trong những năm gần đây, khi nạn khai thác, chặt phá rừng đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, vấn nạn quốc gia.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2011 đến nay, tổng diện tích rừng bị thiệt hại ước tính hơn 22.800ha, trong đó, diện tích rừng bị cháy khoảng 13.700ha; còn lại do con người chặt phá rừng. Bình quân mỗi năm, Việt Nam suy giảm khoảng 2.500ha rừng. Hậu quả của việc tàn phá rừng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thiên tai ngày càng diễn ra gay gắt, khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, mà các trận mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và của trong năm 2020 vừa qua là một minh chứng rõ nét nhất.
Diện tích rừng trên cả nước chủ yếu tập trung ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn lưu vực các con sông, suối lớn. Song một thực tế, ở những khu vực này, đồng bào DTTS chưa thể dựa vào rừng để bảo đảm sinh kế có thu nhập và sống ổn định từ rừng. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc giao đất, giao rừng chưa thực sự tạo ý thức và động lực để khuyến khích người dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng chủ động tự giác bảo vệ, phát triển rừng.
Tại Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ II (diễn ra ngày 4-12-2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh: “Rừng là lá phổi của chúng ta. Với đồng bào DTTS, rừng trước tiên còn là tấm áo giáp góp phần bảo vệ an toàn khỏi thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Rừng cũng là sinh kế của đồng bào. Vì thế, đã đến lúc đồng bào DTTS phải giữ rừng như chính sinh mạng của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng trái phép”. Điều này càng khẳng định vai trò con người, nhất là người dân ở những nơi có rừng phải là nhân tố quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ rừng.
Để có nhiều tấm gương như vợ chồng ông Vàng A Lứ thì ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu được nguy cơ, tác hại của việc phá rừng; những lợi ích thiết thực của việc bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh thì Đảng, Nhà nước cần sớm có cơ chế, chính sách phục hồi và bảo vệ, phát triển rừng gắn với sinh kế của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, bổ sung những chế tài đủ mạnh trong xử phạt những đối tượng có hành vi khai thác rừng trái phép, hoặc làm ảnh hưởng đến diện tích đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn…
Làm tốt những điều này góp phần tạo động lực khuyến khích người dân miền núi tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo; ổn định đời sống, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Cùng với đó, mô hình giữ rừng làm du lịch bền vững và bảo vệ môi trường của vợ chồng ông Vàng A Lứ cần được nhân rộng ở nhiều địa phương.