Định giá thiên nhiên

Ý tưởng đặt ra một mức giá cho thiên nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng điều không thể phủ nhận là giá trị tài chính của “dịch vụ hệ sinh thái” ngày càng trở thành chính sách chủ đạo.

Năm 1996, Giáo sư Shahid Naeem là thành viên nhóm nghiên cứu đặt ra giá trị cho trái đất. Cụ thể, nhóm nỗ lực thiết lập giá trị theo đồng đô la cho tất cả các “dịch vụ hệ sinh thái” mà hành tinh cung cấp cho con người hàng năm và đưa ra con số khoảng 33 nghìn tỷ đô la – gần gấp đôi GDP toàn cầu vào thời điểm đó.

Phương pháp đo cho thấy giá trị dịch vụ mỗi cá thể voi rừng là 1,75 triệu đô la. (Ảnh: Amaury Hauchard/AFP/Getty Images)

“Một nửa nhóm nghiên cứu là các nhà sinh thái học, nửa còn lại là các nhà kinh tế. Các nhà sinh thái học thấy phương thức này thực sự đáng sợ nhưng họ hiểu được công dụng của nó. Các nhà kinh tế cảm thấy thiên nhiên có thể được định giá nhưng họ không đồng ý về thực hiện”, Naeem nhớ lại.

Giá trị tài chính của các dịch vụ hệ sinh thái là trọng tâm của công cuộc bảo tồn trong thế kỷ 21 và ngày càng ảnh hưởng tới việc ra quyết định kinh tế và chính sách của chính phủ. Đây cũng là nội dung được đưa vào chương trình nghị sự tại Davos với các cuộc thảo luận về bảo vệ rừng Amazon và phục hồi kinh tế hậu Covid cũng như trọng tâm trong các cuộc thảo luận của Liên hợp quốc về một thỏa thuận kiểu Paris cho đa dạng sinh học sẽ được đàm phán tại Côn Minh trong năm nay.

Theo công ty bảo hiểm Swiss Re, hơn một nửa GDP toàn cầu (42 nghìn tỷ đô la) phụ thuộc vào đa dạng sinh học có chức năng cao. “Vốn tự nhiên” duy trì sự sống của con người có vẻ sẽ trở thành một loại tài sản nghìn tỷ đô: tác dụng làm mát của rừng, đặc tính ngăn lũ của đất ngập nước và khả năng sản xuất lương thực của đại dương được hiểu là các dịch vụ có giá trị tài chính xác định. Động vật cũng vậy.

Chuyên gia Ralph Chamihas thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính các dịch vụ của voi rừng trị giá 1,75 triệu đô la/cá thể trong khi một kẻ săn trộm chỉ có thể nhận được hơn 40.000 đô la khi bắn voi để lấy ngà. Ông cũng ước tính cá voi có giá trị hơn một chút, ở mức hơn 2 triệu đô la nhờ vào tiềm năng thu giữ carbon đáng kinh ngạc của chúng và vì thế chúng đáng được bảo vệ tốt hơn.

Đó là một cách nghĩ về tự nhiên gây nhiều tranh cãi nhưng Giáo sư Naeem thừa nhận các dịch vụ hệ sinh thái giúp chúng ta hiểu rằng động thực vật và các hệ sinh thái nguyên vẹn có giá trị hơn đối với con người.

“Bạn phải nhận ra rằng mọi người sẽ coi trọng các dịch vụ hệ sinh thái cho dù chúng ta muốn hay không. Họ sẽ nói: “Nếu thay đổi Pantanal ở Brazil (vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới) để nuôi gia súc thì đây là số tiền chúng ta sẽ kiếm được”. Công việc của chúng tôi là giải thích việc đó không phải là cách đúng đắn. Bạn phải tính cả những thứ khác mà Pantanal thực hiện, không chỉ sản xuất thịt bò”, Naeem đã phát biểu tại Diễn đàn Cảnh quan toàn cầu vào tháng 10/2020.

Một số nhà bảo vệ môi trường tỏ ra khó chịu trước đặc tính tài chính của thế giới tự nhiên, phản bác hiểu biết nhân văn về các hệ sinh thái và sinh vật như là nguồn vốn thu được giá trị từ cách chúng phục vụ nhân loại. Cây bút George Monbiot gọi cách tiếp cận này là “sai lầm về mặt đạo đức, trống rỗng về mặt trí tuệ, xa lánh tình cảm và tự đánh bại bản thân”. Những người khác không thích logic quyến rũ của việc bao gồm thiệt hại môi trường từ hành động ăn một chiếc bánh mì kẹp thịt bò hoặc lái một chiếc xe chạy xăng vào chi phí “thực” như phá rừng và sông băng tan chảy.

Nhưng bản chất vốn hóa trong khu vực công và tư không biến mất. Larry Fink, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cảnh báo giới đầu tư vào đầu năm 2020 rằng các thị trường đang ở “ranh giới tái định hình nền tảng về tài chính” được xác định bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và môi trường – một thay đổi được đưa ra trong thông điệp năm 2021 là tình hình diễn ra nhanh hơn dự kiến. Các nước giàu có thể trả các nước giàu đa dạng sinh học hàng tỷ bảng Anh cho các dịch vụ môi trường của Amazon, quần đảo Galápagos và các hệ sinh thái duy trì sự sống khác như một phần của thỏa thuận Côn Minh được mong đợi. Bản đánh giá Dasgupta toàn diện về tính kinh tế của đa dạng sinh học do chính phủ Vương quốc Anh ủy quyền sẽ sớm được xuất bản, trở thành trường hợp về tiền tệ cho các hành động vì môi trường.

Tuy nhiên, câu hỏi hiện tại vẫn chưa được giải đáp là mức giá nào phù hợp cho tự nhiên, liệu một hệ sinh thái có thể được thể hiện chính xác bằng các mô hình tài chính hay không và làm thế nào tích hợp được các chỉ số vào các thị trường.

Đặt giá cho thiên nhiên

Thị trường carbon là ví dụ nổi bật nhất về tài chính cần phải tính đến thiên nhiên. Mặc dù các thiết kế thị trường đa dạng, người ta hy vọng rằng lượng phát thải khí nhà kính sẽ giảm khi giá carbon và nhu cầu bù đắp tăng lên, đảm bảo rằng những người gây ô nhiễm phải trả chi phí thực sự của việc đốt nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động khác tạo ra khí nhà kính. Cùng lúc, một diện tích lớn rừng, đất than bùn và đất đai trên thế giới có thể trở thành tài sản vốn tự nhiên có giá trị nhờ vào đặc tính hấp thụ carbon. Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney nói rằng thị trường bù đắp tự nguyện toàn cầu phải tăng lên 100 tỷ đô la/năm để giúp thế giới đạt được mục tiêu phát thải bằng không.

Cá sấu và cò trên bờ sông Bento Gomes ở Brazil – nơi được coi là vùng đất ngập nước nhiệt đới lớn nhất thế giới. (Ảnh: André Penner/AP)

Tờ Wall Street Journal ước tính năm 2020, các công ty dầu khí ở Bắc Mỹ và châu Âu đạt mức tài sản khoảng 145 tỷ đô la. Giá dầu giảm khiến nhiều dự án đã được lên kế hoạch trải từ Bắc Cực đến Brazil không khả thi về mặt tài chính – “tài sản mắc kẹt” không có chỗ đứng trong tương lai carbon thấp. Sự sụp đổ của lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch – từng tạo ra nhiều công ty thuộc nhóm có giá trị cao nhất – xảy ra mà không cần đến luật lệ hiệu quả về định giá carbon và môi trường.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức to lớn trong việc tạo ra các định chế tài chính bền vững hơn cho khí hậu. Các nhà kinh tế Katie Kedward và Josh Ryan-Collins thuộc Institute of Innovation and Public Purpose (Đại học College London) cho rằng các tính toán hiện nay về rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu bị đánh giá không đúng nếu không bao hàm thiên nhiên. Sau đó, câu hỏi đặt ra là liệu sự phức tạp của một hệ sinh thái hoặc chi phí kinh tế thực sự của việc phá hủy hệ sinh thái đó được mô tả chính xác bằng một mô hình tài chính hay không.

Hậu quả kinh tế của việc phá rừng hoàn toàn ở rừng nhiệt đới Amazon, tận diệt côn trùng trên toàn cầu hay sa mạc hóa hoàn toàn của khu vực Địa Trung Hải là gì? Hơn 100 tỷ đô la hay 4 nghìn tỷ đô la? Những con số đó có ý nghĩa? Ai trả khoản tiền đó? Liệu chúng ta có thể đi theo hướng dẫn kiện cáo về khí hậu và tàn phá thiên nhiên?

Đây là những câu hỏi được nhiều nhà tài chính, kể cả Sylvain Vanston, người đứng đầu bộ phận biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học thuộc công ty bảo hiểm Axa của Pháp đặt ra. Trong những năm gần đây, cảnh báo từ các nhà khoa học về tuyệt chủng hàng loạt và phá vỡ hệ sinh thái đã đi kèm với những cảnh báo gay gắt cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Trong Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2021, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá mất đa dạng sinh học là rủi ro có tác động đứng thứ 4 và nguy cơ có khả năng xảy ra cao thứ 5 trong những năm tới.

Vanston nói: “Khi bắt đầu xem xét mất mát đa dạng sinh học, bạn còn lo lắng hơn cả khi nhìn vào biến đổi khí hậu”.

Tháng 9/2020, Axa công bố hợp tác với Iceberg Data Lab phát triển bộ công cụ đầu tiên cho các nhà đầu tư sử dụng để đo lường rủi ro từ các hoạt động của họ tới đa dạng sinh học và thiên nhiên. Vanston hy vọng công cụ này sẽ giúp giới tài chính xác định được những hoạt động gây tổn hại đến môi trường và hiểu rõ hơn về rủi ro cụ thể của công ty.

“Từ quan điểm kinh doanh, một cây chết có giá trị hơn một cây sống. Khai thác và phá hủy thiên nhiên khiến bạn gặt hái được nhiều lợi ích trước mắt hơn là bảo vệ. Nhưng khi thiên nhiên bị hủy hoại, toàn bộ khu vực và các ngành có thể bị mắc kẹt”, Vanston phân tích.

“Chúng ta đã thấy nhiều báo cáo về tình trạng thiên nhiên. Nhưng những gì chúng ta còn thiếu là mảnh ghép này: làm thế nào để gắn kết suy thoái thiên nhiên với các công ty cụ thể, sau đó đến các lĩnh vực và tiếp đó là danh mục đầu tư. Nếu không thể kết nối chúng thì thực sự chúng ta không thể làm được gì nhiều. Vì vậy, hy vọng trong ba năm tới, chúng ta sẽ tinh chỉnh được cách tiếp cận này”.

Cá voi có tiềm năng thu giữ carbon rất lớn – điều khiến ‘giá trị’ của chúng tăng lên. (Ảnh: Tony Wu/NPL/Alamy)

Theo thời gian, các phép đo tương tự có thể được phát triển và chính phủ buộc các ngân hàng đầu tư cũng như thị trường trái phiếu đưa thiên nhiên vào mọi quyết định quan trọng về tài chính.

Tác động đến đời sống con người

Năm 2014, nhóm nghiên cứu do nhà kinh tế sinh thái Robert Costanza lĩnh xướng đã cập nhật định giá năm 1997 về các dịch vụ hệ sinh thái của trái đất. Người ta ước tính các dịch vụ này trị giá 125 nghìn tỷ đô/năm. Nhưng nghiên cứu cho thấy việc thay đổi mục đích sử dụng đất gây ra thiệt hại hàng năm từ 4,3 nghìn tỷ đến 20,2 nghìn tỷ đô la trong khoảng thời gian từ 1997 – 2011. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra việc mang lại một giá trị kinh tế cho thiên nhiên không có nghĩa là nó nên được coi như một hàng hóa tư nhân mà giúp truyền tải giá trị của nó tới xã hội.

Giáo sư Naeemtin rằng rào cản lớn nhất để tích hợp dịch vụ hệ sinh thái vào các quyết định tài chính là thiếu những nghiên cứu kết nối chức năng hệ sinh thái với đời sống con người. Giới khoa học hiểu cách thức hoạt động của hệ sinh thái và kết quả tài chính mà chúng tạo ra – chẳng hạn như giá trị của gỗ – nhưng hai yếu tố này hiếm khi được chuyển thành tác động đến đời sống con người.

Tổ chức Nature Conservancy ước tính thế giới cần chi 722-967 tỷ đô la mỗi năm để ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ sinh thái và tuyệt chủng hàng loạt vào năm 2030. Nhưng ngay cả khi các dịch vụ hệ sinh thái không được tích hợp đầy đủ vào cách sống của chúng ta thì ít tiền hơn cũng gây tác động lớn cho đa dạng sinh học. Theo một báo cáo công bố tháng 10/2020, công ty tư vấn McKinsey ước tính được 24 tỷ đô la – khoảng 40% doanh số bán kem toàn cầu – hiện được chi cho việc bảo vệ các khu vực bảo tồn vốn mang lại lợi ích to lớn nếu được mở rộng quy mô cho khu vực công và tư nhân.

“Một ví dụ điển hình về việc kiếm tiền từ các dịch vụ hệ sinh thái là thành phố New York đầu những năm 90. Thời điểm đó có những phân vân về việc có nên xây dựng nhà máy lọc nước khổng lồ tiêu tốn khoảng 5 tỷ đô la Mỹ ngày nay và 1/4 tỷ đô la để bảo trì hàng năm. Lựa chọn khác là làm việc với nông dân địa phương ở khu vực đầu nguồn xa hơn về phía bắc và trả tiền cho họ để bảo tồn đất tốt hơn nhằm cải thiện chất lượng nước. Họ đi theo chọn thứ hai”, Duko Hopman, đối tác liên kết của McKinsey & Company cho biết.

“Và cho đến ngày nay, đó là cách người New York uống nước. Và hóa ra rẻ hơn rất nhiều giải pháp thay thế ”.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: