Tình cờ, khi chúng tôi tìm hiểu về các đường dây tận diệt muôn loài chim trời tuyệt sắc với tiếng hót làm mê đắm lòng người, rồi báo công an và kiểm lâm đến xử lý các đường dây “đen”, các nhà hàng quán nhậu tàn nhẫn với thiên nhiên kia, thì: Có một nhóm người chủ động liên lạc cung cấp thêm tư liệu. Họ là những… doanh nhân, giảng viên đại học, chuyên gia uy tín ở các Bộ, ngành có chung một niềm đam mê: Về với hoang dã.
Họ chụp ảnh chim trời, muông thú, quyết liệt bảo vệ các giá trị của ngôi nhà chung trái đất một cách thật sự. Bằng tiền túi, bằng chính tài sức của mình, chứ không hô khẩu hiệu hay là làm vì lý do cơm áo gạo tiền hoặc giữ ghế chiếm chỗ nào cả. Xe đa dụng, “độ chế” lừng lững, máy ảnh toàn vài trăm triệu đồng với ống kính to bằng thân cây chuối hột, dài gấp rưỡi cái điếu cày. Đi khắp cả đất nước ông bà, chụp năm bảy trăm chim, trong đó có nhiều loài đẹp đến điên cuồng và nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới…
Quan trọng hơn, họ thành lập một biệt đội giải cứu các loài chim trời bị mắc lưới, mắc bẫy, bị bán buôn hoặc cầm tù chờ hành quyết – rồi thả tất cả về với bầu trời tự do của chúng.
Bay xuyên lục địa, nhưng năm nào cũng về đậu vào đúng cành cây đó
Tôi đã theo họ đi giải cứu chim trời ở vùng Gò Công, tỉnh Tiền Giang; Bình Đại tỉnh Bến Tre. Và nhận ra một vẻ đẹp nao lòng khác của cuộc sống: Rằng, trong khi có những kẻ đại ngôn nói về bảo vệ môi trường mà vẫn nuốt chửng gỗ lạt, ăn sạch chim thú hoang, thì nhóm tình nguyện viên giải cứu các sứ giả tuyệt mỹ của bầu trời vẫn lăn lộn đi gỡ từng mảng lưới cứu chim. Có khi họ bị thợ săn đuổi đánh, bị lực lượng quản lý địa bàn hạch sách giấy tờ, công văn, tại sao xâm nhập địa bàn trái phép đi phá nghề làm ăn (bẫy bắt chim) của dân? Có cán bộ biên phòng yêu cầu “tình nguyện viên” không tái phạm lai vãng trên địa bàn một cách khả nghi nữa. Kệ, họ bảo nhau, có khó quá như thế thì mới cần đến… chúng mình chứ. Cứ làm việc mà lương tâm nói là cần phải làm.
Có đi mới biết, Việt Nam là một sân chim khổng lồ, các loài chim di cư trên hành trình Đông Bắc Á – Úc châu (và nhiều “đường bay quốc tế” khác) đều ghé qua các ao đầm, bãi bồi, ven sông biển, các rừng quốc gia, khu bảo tồn để kiếm thức ăn, tích cóp nhiên liệu phục vụ hành trình bí ẩn dọc ngang vỏ địa cầu. Thật ra đó là hành trình rất bản năng, với một số loài họ dùng thuật ngữ ấn tượng: Bãi đẻ.
Tức là con chim sinh ra ở đâu, nó bay đi đâu đâu xa tít, thì hàng năm nó vẫn dành một hành trình hồi hương về đúng cái bãi đẻ mà nó có một ấn tượng rất mạnh như là từ tiền kiếp kia. Có người bảo, chim nó bay đúng lộ trình nhiều vạn cây số dọc các châu lục, đúng thời gian ấn định, đỗ ở ga nào, vào ngày tháng nào trong mỗi năm, đơn giản là vì nó đi tránh rét. Nhịp điệu mùa khá chuẩn chỉ trên cả vỏ trái đất, ở Seberia (Liên bang Nga) lạnh giá thì nó xuôi về phương Nam gặp Việt Nam ta ở lúc sương mù nhẹ, trời âm ấm trong tiết mưa xuân (ví dụ thế).
Bản năng sinh tồn thích cái không khí đó, nên chim kéo nhau về từng đàn nối tiếp nhau, giăng kín bầu trời mặt nước; mò mẫm kiếm ăn, yêu đương cãi cọ nhau chán chê – trừ những cá thể bị bắn bẫy giết chết – số còn lại, chúng tiếp tục lên con đường thiên lý bay về phía Nam của quả đất. Sang năm, đúng thời điểm ấy với nhịp điệu mùa ấy, chúng lại tái hồi Kim Trọng.
Bất ngờ với thảm họa tận diệt kinh hoàng của lưới mờ
Nhà khoa học nói vậy, tôi viết vậy và ai đó đọc thì biết vậy, song chúng ta đều không phải là chim. Nên thật khó để biết bọn chúng nghĩ gì trong hành trình thăm thẳm tạo nên vẻ đẹp trác tuyệt của các sân chim, các đàn chim di cư “một tiếng trên không ngỗng nước nào” (thơ Nguyễn Khuyến) từng ám ảnh cả loài người kia. Chỉ biết là: Chim di cư, chim chóc nói chung, chúng rất thủy chung. Năm ngoái và 10 năm liên tục trước đó nó đậu ở cành cây nào, kiếm ăn ở tán lá nào, nếu năm nay quay lại mà hiện trường rừng rú đầm phá đó chưa bị tàn phá, thì chắc chắn chim ta sẽ dẫn bầu đàn thê tử về quây quần sum vầy ủng oẳng vày nước hay gân cổ ca vang y như “muôn năm cũ”. Từ đó, thợ săn dễ kiếm ăn, cứ phục ở đó là bắn, bẫy thả sức. Từ đó, các nhà điểu học nghiên cứu chim chóc cũng dễ đếm số lượng của từng loài chim và có tiếng nói cảnh báo kịp thời. Vì tất tật chúng ở cả đó, “bánh đúc bày sàng”.
Chim di cư nói riêng và chim trời nói chung ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng, bởi nạn bắn súng săn và nạn bẫy bằng lưới mờ (giới khoa học gọi là mist net/ lưới sương mờ) và nạn tàn phá sinh cảnh của chim. Ít ai ngờ, không phải là súng lớn, đạn to, thợ săn tinh quái hay độc ác mới là thảm họa lớn nhất tàn sát chim hoang dã. Mà thủ phạm tràn lan nhất, giết chóc khốc liệt nhất, hành hoành trên diện rộng nhất trong việc tận diệt chim trời hiện nay, chính là lưới mờ/ lưới vô hình/ lưới tàng hình.
Trước kia, các nhà khoa học dùng lưới dạng này để bắt chim, gắn vòng theo dõi vào chân chim, lấy mẫu máu của chim phục vụ nghiên cứu bảo tồn. Lưới đó thường mua từ Cộng hòa Liên bang Đức, nó có trị giá hàng nghìn đô la một chiếc và chỉ những nhà khoa học có “chứng chỉ” giăng lưới, bắt chim trời mới được thực hiện thao tác này. Khoảng 5 năm nay, trên thị trường Việt Nam và nhiều nước lân cận như Lào, Thái, Campuchia, Băngladet, Sri-lanka, Myanmar… đều đồng loạt “du nhập” loại lưới bắt chim của Trung Quốc, họ bán với giá siêu rẻ và cung ứng bằng hình thức vô cùng hiệu quả. Ship tận nhà, bán online, hơn một trăm nghìn đồng thì thả sức mà giăng. Chúng tôi đã chứng kiến có thợ săn đi một đêm, thu lưới mờ, giật lưới ụp, bắt mất của thiên nhiên tươi đẹp hơn 100 con chim cu gáy, chưa kể loài khác. Họ thu về cả chục triệu đồng.
Thế là, lưới giăng kín các cánh đồng, tầng cao tầng thấp, quây ba bề bốn bên; lưới như thiên la địa võng ở cửa sông cửa biển, đầm phá ao hồ. Chim to sải cảnh cá mét rưỡi hai mét như con giang sen; loài bé hơn mà Tiến Vua trị giá hơn 1 triệu đồng/con như sâm cầm; rồi đủ loài lớn bé già trẻ mẹ con. Dù ban ngày hay ban đêm. Cứ nghe người ta phát loa giả tiếng đủ loài chim trống mái, rồi trưng bày hình nộm các con chim giả được chế tác “giống con chim hơn cả con chim” ở mọi ngõ ngách thôn ổ hay phố thị. Chim kéo đến hoặc chim vô tình bay qua. Bay cao hoặc bay thấp. Mắc lưới “tàng hình” tất. Lưới trong suốt, nhẹ bẫng, giá rẻ nhưng hết sức hiệu quả trong bắt chim. Đã mắc lưới này, chim giãy mạnh có thể gãy cánh, càng giãy càng bị mắc nhiều vòng nhiều sợi lưới hơn. Để giải cứu được con chim xấu số này, người ta phải cầm kéo cắt cả trăm nhát vào vô số cọng lưới thít chặt từ đầu đến chân nó.
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, trước đây, người ta cứ nghĩ săn bắt hái lượm, chim trời cá nước, mạnh ai nấy bắt. Đi bắn chim thì bảo là vi phạm sử dụng súng, chứ giăng lưới bắt chim thì có xâm phạm đến ai đâu mà sợ? Chính vì rãnh mòn suy nghĩ đó mà suốt mấy năm lưới sương mù ra đời, tận diệt chim trời của chúng ta một cách thảm khốc. Song, cơ quan chức năng hầu như không xử lý và muốn xử lý cũng không biết quy nó vào “vi phạm” nào.
Thật ra, thì quy định bảo vệ các loài hoang dã, trong đó có chim trời, chúng ta đều đã có chế tài đầy đủ. Chim trời nằm trong sách Đỏ, trong danh mục loài quý hiếm thì mức “phạt” cho các vi phạm còn nặng hơn. Các vi phạm liên quan đến động vật thông thường (chim trời, bò sát, lưỡng cư…), tùy theo số lượng và trị giá, có thể phạt đến 400 triệu đồng, xử lý hình sự đi tù cả hơn chục năm được.
Tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 29 trong đó có đề mục khẩn cấp triệt phá các chợ buôn bán, các hành vi xâm hại đến động vật hoang dã nói chung. Tuy nhiên, nhiều quy định của chúng ta đã chưa thấm nhuần đến cán bộ và bà con, việc thực thi và giám sát thực thi vẫn chưa đầy đủ. Quá nhiều cán bộ, khi gặp chúng tôi, đều không biết đến các quy định kể trên. Vài địa phương còn nghiễm nhiên coi việc xử lý vi phạm liên quan đến chim hoang dã thông thường là… chưa có tiền lệ.
Thả chim hoang dã về lại bầu trời và bị đuổi đánh
Chính vì các lý do trên, biệt đội giải cứu “sứ giả bầu trời” đã ra đời. Họ đi khắp cả nước, quay phim, chụp ảnh, tôn vinh các loài chim hoang dã tuyệt đẹp; lên Bộ Tài nguyên Môi trường; báo cáo với Cục kiểm lâm và CITES Việt Nam về sự hiện diện của các sân chim cần có chính sách bảo tồn gấp trước khi tất cả “chỉ còn trong kí ức”. Họ in sách về các loài chim và đặc điểm sinh thái nhận diện của chúng; in sách ca ngợi vẻ đẹp và nguy cơ của chim trời bằng “bộ tư liệu hoàn thiện nhất” từ xưa đến nay ở Việt Nam về 731 trong tổng số 918 loài chim trên đất nước ta (theo hệ thống phân loại của Hội Nghiên cứu chim thế giới).
Cuốn “Các loài chim Việt Nam” ra mắt tại Hà Nội vào ngày 15.1.2021 là một ví dụ. Tiến tới, họ còn làm các app trên điện thoại IOS rồi Androi để xác định loài và tra cứu đủ thứ thông tin về chim hoang dã ở Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, họ trực tiếp đem quà cáp đến từng hộ dân “ngoại giao con thoi”, ly rượu hớp trà, con cà con kê, nỉ non mong các thợ săn… sớm giải nghệ. Đừng bắt bẫy chim trời nữa.
Đầu năm 2021, tôi đi với nhóm tình nguyện, làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường rồi Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang, nơi có bến đỗ của sông Tiền tại huyện Gò Công với nhiều loài chim tuyệt đẹp và vô cùng sum vầy nhiều nghìn cá thể. Trong đó có nhiều loài quý hiếm, cả thế giới chỉ còn khoảng 200 cá thể.
Tuy nhiên, cán bộ tỉnh cũng thừa nhận tình trạng chim trời quý bị bẫy bắt giết thịt tràn lan, họ đi vận động phá lưới còn bị người dân đuổi đánh. Khỏi nói đội giải cứu chim trời khổ sở đến mức nào. Có khi bị chửi bới, đuối đánh chí mạng. Vì người ta đi bẫy chim trời, chim dính lưới đi phá hủy lưới, thả bỏ “tài sản” của người ta ra lên giời. Lực lượng Biên phòng ven biển, chính quyền các xã, các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản cũng cự nự, cấm đoán đội giải cứu chim trời mỗi khi họ xuất hiện. Lý do cũng hợp tình thôi: cả đội không ai là nhà cán bộ hữu trách, được giao nhiệm vụ đi làm thứ việc “trời ơi đất hỡi” này cả. Không phải kiểm lâm, không sở nọ kia, không cảnh sát môi trường, cũng không là… nhà báo.
Có xem những bức ảnh tuyệt đẹp chụp trên địa bàn Việt Nam về các loài chim quý do các tay máy chuyên chụp chim trời của nhóm công bố, thì người ta mới giật mình thức tỉnh hơn nữa. Các loài chim sặc sỡ đi lại kiếm ăn an nhiên tự tại trên đồng đất, đồng nước Việt Nam. Nhiều loài danh tiếng như sếu đầu đỏ, năm vừa rồi đã không có cô chú nào diễm lệ ngẩng cổ cao bay về đồng cỏ năn cỏ lác ở Việt Nam, khiến nhóm phải bất đắc dĩ trở thành “nhà báo” viết bài cảnh tỉnh: “Khi đàn sếu chẳng trở về”.
Nhiều loài đẹp mơ màng, sinh động như vị sứ giả đáng yêu nhất của Thiên Đình cử xuống. Các nhà khoa học nghiên cứu chim trên toàn thế giới còn gắn cả một cái vòng bằng chất liệu đặc biệt vào chân của nhiều cá thể chim quý hiếm nhằm xác định đường bay, cân nặng, đặc tính, bến đỗ trong vòng đời của chúng. Từ đó, nghiên cứu rộng hơn về môi trường, sinh thái, loài đó và nhiều loài khác, về các dịch bệnh đã có và còn có thể có… Nhiều con như cỏ mỏ thìa, rẽ mỏ thìa, choắt nâu, rẽ bụng nâu, nhiều loài cả thế giới chỉ còn 200 cá thể, đã được ghi nhận tại Việt Nam. Và, đội còn có các ghi nhận đau hơn: Chim trời, chim quý, chim di cư, tất tật dính lưới mờ và trở thành món nhậu tràn lan trên cả nước…
Từ chỗ bị đuổi đánh, giờ đây, mưa dầm thấm lâu, người dân và cán bộ đã hiểu được thiện tâm và niềm đam mê đau đáu của nhóm giải cứu chim trời. Họ bỏ nghề giăng lưới ở vài vùng trọng điểm. Nhiều con chim quý giãy giụa trong tấm lưới rối mù, càng giãy càng bị thêm các sợi lưới cuốn vào, máu chim chảy ra khi cánh bị gãy do lưới thít trong gió lộng. Nhiều con chim đẹp lộng lẫy, chúng chết khô xếp hàng trên nền trời, vì thợ săn bận nhậu chưa kịp đi thu gom chim về bán cho quán nhậu, cho chợ Thạnh Hóa “địa ngục chim trời lớn nhất Việt Nam”.
Các bức ảnh, video hàng trăm loài chim tuyệt đẹp, đặt cạnh bộ ảnh chính các loài cần được bảo tồn đó đang bị chết khô, bị mắc lưới giãy giụa, bị bán thành chùm thành đống ở chợ động vật hoang dã, bị giết thịt tràn lan trong các chuỗi nhà hàng “thương hiệu mạnh” mọc lên như nấm ở các đô thị lớn: Thật đau xót. Và thật nỗi đau kia đã, đang và sẽ có giá trị thức tỉnh.
Sau khi nhiều tình nguyện viên mạnh dạn bàn thảo với các bộ ngành, các Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện xã, hiệu triệu mọi người cùng bảo vệ vẻ đẹp và tính đa dạng của thiên nhiên hoang dã Việt Nam, giờ đây, nhóm tự lập và hoạt động trên cơ sở tình nguyện của các nhà khoa học/ nhiếp ảnh/ doanh nhân/ giảng viên đại học/ cán bộ bảo tồn kia đã có quyền hy vọng vào một quyết sách lớn hơn của Chính phủ. Quyết liệt thực thi việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã, trong đó có nhan sắc và giọng nói (vẻ đẹp và tiếng hót) của các loài chim trời – thứ đã trở thành giá trị kinh điển, thành thứ không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách người và giá trị nhân văn của cả cộng đồng từ thượng cổ đến giờ. Đây cũng là cách để chúng ta bảo vệ hình ảnh nhân ái của chúng ta với thiên nhiên trước cộng đồng thế giới. Như thế mới không đi ngược lại các nỗ lực đáng quý của nhân loại tiến bộ.