Theo Báo cáo Chỉ số rủi ro Khí hậu Toàn cầu (KRI) do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch (Đức) công bố vào tháng 1/2021, Việt Nam đứng ở vị thứ 13 trong số các nước có nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong giai đoạn từ năm 2000 – 2019.
Việc xếp hạng này được dựa trên 4 tiêu chí: số người thiệt mạng, số người thiệt mạng trên 100.000 dân cư, tổn thất do ngang giá sức mua (PPP) (ngang giá sức mua là một thước đo phân tích vĩ mô so sánh khả năng sản xuất và mức sống giữa các quốc gia) và tổn thất trong mỗi đơn vị GDP. Dựa trên các tiêu chí này, báo cáo xếp hạng Việt Nam đứng thứ 15 về số người thiệt mạng hằng năm, đứng thứ 11 về nước có thiệt hại cao theo sức mua tương đương (PPP) và thứ 47 về số người tử vong trên 100.000 người và thiệt hại tính theo GDP.
Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (UNIPCC) cũng chỉ ra rằng những thách thức về khí hậu của Việt Nam lớn hơn nhiều so với thông thường. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các chiến lược thích ứng và giảm thiểu hiệu quả để ngăn chặn thách thức, do các tác động khí hậu đang ngày càng mạnh mẽ và khó dự đoán hơn.
Nhìn lại thời gian trước, cụ thể từ năm 1999 – 2018, Việt Nam đã phải trải qua 226 sự kiện thời tiết cực đoan, với thiệt hại kinh tế lên đến hơn 2 tỷ USD/năm. Ngoài ra, một nghiên cứu khác của UNIPCC chỉ rõ Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ bị ngập trong nước vào năm 2050 và hàng triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long – vùng trồng lúa chính của cả khu vực có thể sẽ phải sơ tán khỏi các khu vực ven biển.
Mặc dù biến đổi khí hậu gây mối đe dọa rất nghiêm trọng, nhưng các chuyên gia cho rằng hoàn toàn có lý do để hi vọng nếu Việt Nam triển khai các chiến lược và biện pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.
Đặc biệt, Việt Nam phải xem xét lại kế hoạch phát điện từ than và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Hơn nữa, Việt Nam cũng cần tăng cường đầu tư để giúp các thành phố bền vững hơn, phát triển khả năng phục hồi để giảm thiểu rủi ro do khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thích ứng toàn diện tại Việt Nam và các quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á.
Để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu từ năm 2021 – 2030, Việt Nam cần 35 tỷ USD, trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Do đó, mọi người cần được giáo dục về sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết để thích ứng. Theo một đại diện UNDP tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đến nhanh hơn và khó dự đoán hơn, vì vậy chúng ta cần chuẩn bị ứng phó và vận dụng kiến thức để chúng ta có thể bảo vệ chính mình, người thân và mọi người.