Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh sau dịch Covid-19, nhưng người lao động trẻ nước này vẫn vật vã với giá nhà cao ngất ngưởng, chi phí sinh hoạt leo thang và tương lai mịt mù.
Khi Ning Nanshan – một vlogger nổi tiếng trên mạng xã hội Bilibili – đăng video than phiền về tình trạng giá nhà leo thang tại Trung Quốc, rất nhiều người để lại bình luận bày tỏ sự bi quan.
“Giá nhà sẽ không bao giờ giảm đâu. Tôi chẳng có cách nào để vượt qua nỗi đau này”, một người dùng Internet bình luận. “Có làm việc chăm chỉ đến mấy cũng vô ích thôi”, một người khác viết.
Theo South China Morning Post, các trang mạng xã hội như Bilibili là nơi để người trẻ Trung Quốc bày tỏ quan điểm về những vấn đề kinh tế – xã hội nước này. Ở đó, vô số người lao động trẻ Trung Quốc tỏ ra lo lắng, mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng với tình trạng tài chính cá nhân và triển vọng tương lai.
“Giới trẻ Trung Quốc tỏ ra tin tưởng vào sức mạnh kinh tế vĩ mô của nước này, nhưng thể hiện rõ sự căng thẳng và vật vã với cuộc sống thường ngày”, South China Morning Post dẫn lời phó giáo sư Xi Xican thuộc Trường Kinh tế Đại học Phúc Đán cho biết.
Giá nhà quá cao
Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này vượt 100.000 tỷ NDT (15.400 tỷ USD), chiếm 17% nền kinh tế thế giới. Khoảng cách kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng bị thu hẹp.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm 5 năm so với dự báo trước đó. Tuy nhiên, những con số tích cực đó không phản ánh toàn bộ thực tế nền kinh tế Trung Quốc. Bởi người lao động trẻ nước này đang oằn mình vì giá nhà tăng vọt, chi phí sinh hoạt leo thang và tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng.
Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản E-House, giá nhà trung bình tại Trung Quốc hồi năm 2020 cao hơn 9 lần so với thu nhập trung bình của một hộ gia đình. Đây là mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Chính quyền Trung Quốc cam kết bình ổn giá nhà đất từ năm 2008, nhưng trong hơn 12 năm qua giá vẫn liên tục tăng. .
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá thực phẩm tăng 1,2% trong năm 2020. Trong đó, giá thịt tươi tăng 7,1%, giá thịt lợn tăng kỷ lục 49,7%. Trong tháng 1, giá các loại rau cũng tăng đáng kể, có loại tăng hơn 30%.
Học giả Wu Qiang tại Bắc Kinh cho rằng những thành tích kinh tế tích cực của Trung Quốc không thu hẹp bất bình đẳng và nâng cao chất lượng sống của người lao động phổ thông. Trên thực tế, phần lớn người lao động phổ thông tại Trung Quốc phải làm việc từ 9h đến 21h, sáu ngày mỗi tuần.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc chỉ đạt khoảng 10.200 USD trong năm 2019, thua rất xa mức 63.200 USD/người của Mỹ. Dữ liệu của CEIC cho thấy trong năm 2019, tiêu dùng tư nhân tại Trung Quốc chiếm khoảng 39% GDP, thấp hơn khoảng 30% so với Mỹ và châu Âu.
Bất bình đẳng nghiêm trọng
“Điều này có nghĩa là dù Trung Quốc sản xuất lượng lớn hàng hóa và dịch vụ mỗi năm, tỷ lệ tiêu dùng thực sự của người dân nước này lại thấp hơn nhiều so với các nước khác”, giáo sư Xi từ Đại học Phúc Đán giải thích.
Nghiên cứu của giáo sư Xi cho thấy ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng đặc biệt thấp trong GDP của Trung Quốc, thấp hơn khoảng 10% so với các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil. Đầu tư cho chăm sóc sức khỏe và giáo dục cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng GDP.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã xóa nghèo thành công và đạt đến “xã hội khá giả toàn diện”. Tuy nhiên, nhiều khu vực nông thôn và vùng sâu tại nước này vẫn khó khăn. Hệ số Gini (chỉ số đo bất bình đẳng) của Trung Quốc dao động trong khoảng 0,46-0,49 trong hai thập kỷ qua.
Nếu hệ số này rơi xuống mức 0,4, tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập bị đánh giá là cực kì nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều chuyên gia nghi ngờ thực trạng bất bình đẳng tại Trung Quốc còn tệ hơn nhiều so với các số liệu được chính quyền Bắc Kinh công bố thời gian qua.
Năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc có 600 triệu người lao động bươn chải với thu nhập thấp, chỉ kiếm được khoảng 1.000 NDT (3,5 triệu đồng)/tháng. Khoản thu nhập này chỉ đủ trang trải tiền thuê nhà tại những thành phố cỡ trung ở Trung Quốc.
Nghiên cứu của giáo sư Xi cũng chỉ ra rằng lợi nhuận đầu tư thường đổ dồn về túi của số ít cá nhân giàu có, trong khi hầu hết người lao động Trung Quốc hưởng lợi từ sự tăng trưởng GDP ở mức độ thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.
“Điều này khiến chúng ta cần nhìn nhận lại mục đích cuối cùng của mục tiêu phát triển kinh tế. Chính quyền Trung Quốc muốn thúc đẩy số liệu GDP cho đẹp mắt hay cần quan tâm hơn đến khả năng tiếp nhận và cải thiện đời sống của người dân?”, giáo sư Xi đặt câu hỏi.