Hôm 18/2, EU công bố chính sách thương mại mới, nhấn mạnh hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực từ kinh tế, thương mại của Trung Quốc.
EU vừa công bố chính sách thương mại có tên gọi “Tự chủ chiến lược rộng mở”, xem đây là một cách để đối phó với các thách thức bao gồm biến đổi khí hậu, chủ nghĩa đơn phương và hậu quả kinh tế của đại dịch COVID-19. Chính sách này cũng đề cập đến việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhấn mạnh đến quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn ở châu Á và Mỹ Latinh.
“Đảm bảo Trung Quốc thực hiện các nghĩa vụ lớn hơn trong thương mại quốc tế và giải quyết những tác động tiêu cực trong quan hệ kinh tế EU – Trung Quốc sẽ là trọng tâm trong nỗ lực của EU nhằm tái cân bằng mối quan hệ thương mại song phương”, thông cáo về nội dung chính sách thương mại của EU cho hay. Đây được coi là “một chính sách thương mại cởi mở, bền vững và quyết đoán”.
Các cuộc đàm phán của EU nhằm mục đích ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư với Trung Quốc “là một phần của những nỗ lực này”. Những người chỉ trích cho rằng, thỏa thuận đó đã không tính đến các vấn đề về quyền lao động – vấn đề có thể phá hủy thỏa thuận. Thỏa thuận này vẫn cần được Nghị viện EU thông qua.
EU đã ca ngợi mối quan hệ thương mại của mình với Washington là “quan hệ đối tác kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất trên thế giới”, ngay cả khi dữ liệu của EU cho thấy Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khối vào năm ngoái.
Theo dữ liệu do cơ quan thống kê EU Eurostat công bố trong tháng này, khối lượng thương mại hàng hóa của Trung Quốc với EU – không bao gồm Anh, đạt 710 tỷ USD vào năm 2020,. Cả xuất khẩu của EU và nhập khẩu từ Trung Quốc đều tăng trong năm ngoái, với xuất khẩu trị giá 202,5 tỷ euro và nhập khẩu trị giá 383,5 tỷ euro. Mỹ có khối lượng thương mại 555 tỷ euro với EU, giảm 10% so với khối lượng thương mại 617 tỷ euro vào năm 2019.
“Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương… bắt nguồn sâu xa từ những lợi ích và giá trị chung. Chính quyền mới của Mỹ tạo cơ hội để hai bên làm việc cùng nhau, cải tổ WTO. Bên cạnh đó, chính sách thương mại này cũng đưa ra những triển vọng mới để hợp tác chặt chẽ về chuyển đổi xanh và kỹ thuật số của các nền kinh tế. EU sẽ ưu tiên tăng cường chính sách với Mỹ”, thông cáo về chính sách thương mại mới của EU cho hay.
Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, cho biết: “Chính sách thương mại mới của EU cố gắng tạo ra sự cân bằng với Mỹ và Trung Quốc, với các tín hiệu cho thấy họ sẽ tự đặt ra hướng đi của mình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một con đường tiến về phía trước vừa ‘mở’ và ‘tự chủ’ sẽ rất khó vì sự cởi mở mang lại sự phụ thuộc lẫn nhau”.
“EU coi các chính sách rộng rãi, chẳng hạn như thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, là phản tác dụng trong việc đưa Trung Quốc hướng tới việc tuân thủ các quy tắc thương mại đa phương”, Mary Lovely nói và nhấn mạnh “EU sẽ ưu tiên quan hệ với Mỹ khi buộc phải lựa chọn”.
Sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế trên thế giới đã thúc đẩy EU công bố chính sách mới của khối này. Động thái này diễn ra trong bối cảnh bùng nổ các cuộc đàm phán cấp cao với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đã tuyên bố sẽ đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump. Chính quyền Trump đã làm rạn nứt mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi áp các trừng phạt mức thuế quan đối với hàng hóa của EU và đưa ra những lời lẽ gay gắt nhằm vào các nước châu Âu. Một cách tiếp cận phối hợp chung nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc đã được đề cao trong chương trình nghị sự của các cuộc đàm phán này.